Gia hạn "START mới" có góp phần cải thiện mối quan hệ Mỹ-Nga?

START mới sẽ hết hạn vào năm 2021 nhưng lại có một điều khoản cho phép được gia hạn thêm 5 năm với điều kiện có thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ và Nga.
Gia hạn "START mới" có góp phần cải thiện mối quan hệ Mỹ-Nga? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 4, phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 4, trái) dùng bữa trưa sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Viện nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia Steven Pifer với nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lặp lại ý định rõ ràng mong muốn cải thiện được mối quan hệ đầy trắc trở Mỹ-Nga, một vấn đề có thể giúp ông Trump thực hiện mục tiêu vừa đảm bảo an ninh cho Mỹ, vừa nhận được sự ủng hộ của người đồng cấp Nga Putin trong việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (ký kết hồi năm 2010), gọi tắt là "START mới."

Các quy định giới hạn của "START mới" đã có hiệu lực đầy đủ từ tháng Hai vừa qua với trọng tâm là buộc Mỹ và Nga, mỗi nước không được sở hữu nhiều hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và không vượt quá 700 tên lửa (các loại) và máy bay ném bom chiến lược.

Cả hai bên đã đáp ứng những quy định đó. START mới cũng bao gồm một loạt biện pháp thẩm tra như: trao đổi dữ liệu, khai báo và kiểm định ở mỗi bên.

Những điều khoản này nhằm đảm bảo rằng bất kỳ "hành vi gian dối" nào cũng sẽ bị phát hiện, đồng thời cung cấp cho quân đội Mỹ những thông tin đáng giá về các lực lượng chiến lược của Nga, vốn thường có thể phải tiêu tốn hàng chục tỷ USD để thu thập thông qua các nguồn khác.

START mới sẽ hết hạn vào năm 2021 nhưng lại có một điều khoản cho phép được gia hạn thêm 5 năm với điều kiện có thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ và Nga.

Nếu bất kỳ bên nào không đồng ý gia hạn, giống như sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987, thì đến mốc 2021, lần đầu tiên trong gần 50 năm thế giới sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào kiểm soát các lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga. Điều này có thể gây nguy hại, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang đạt được nhiều thành tựu phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến lược mới.

Trong cuộc điện đàm hồi tháng 1/2017, ông Putin đã nêu việc gia hạn "START mới" với ông Trump. Vấn đề này tiếp tục được nêu lại trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki vào tháng 7 và sau đó cũng trở thành một trong những nội dung thảo luận trọng tâm của cuộc gặp giữa Cố vấn an ninh quốc gia Bolton với người đồng cấp Nga ở Geneva hôm 23/8.

Khi được hỏi về khả năng gia hạn START mới, ông Bolton đã tiết lộ 3 khả năng gồm: gia hạn, tái đàm phán hoặc trở lại hình mẫu của "Hiệp ước Moskva" năm 2002 về vũ khí chiến lược.

Tuy nhiên, chỉ có khả năng đầu tiên mới thực sự có ý nghĩa cho vấn đề này. Lý do đầu tiên cho yêu cầu tái đàm phán "START mới" là cần bổ sung thêm các điều khoản đáp ứng lợi ích của Mỹ nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay khi các quan chức Mỹ đưa ra yêu sách, các quan chức Nga cũng đưa ra những yêu cầu của chính họ ngay tại bàn đàm phán, bắt đầu với những giới hạn triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa - vấn đề mà Washington vốn phản đối rất mạnh mẽ từ trước tới nay. Tái đàm phán sẽ khởi động tiến trình kéo dài nhiều năm mà không chắc chắn về khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên.

[Nga-Mỹ trao đổi về các hiệp ước liên quan vũ khí tiến công chiến lược]

Hy vọng về việc Nga đồng ý về một thỏa thuận giống với "Hiệp ước Moskva" còn mờ mịt hơn. Thỏa thuận đó chỉ giới hạn việc triển khai các đầu đạn hạt nhân chiến lược, tức là chỉ giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân luôn ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Phía Nga sẽ không chấp nhận đề nghị như vậy ở thời điểm hiện nay vì muốn phải hạn chế cả số lượng tên lửa và máy bay ném bom chiến lược.

Hiệp ước Moskva cũng có những điểm yếu khác như: không có những định nghĩa hoặc quy tắc có sự đồng thuận nên dẫn đến tình trạng các lực lượng Mỹ và Nga không thống nhất trong cách xác định những tiêu chuẩn giống nhau cho việc kiểm soát đầu đạn hạt nhân. Hay việc Nga có tuân thủ thực hiện cam kết hay không Mỹ cũng không thể chắc chắn do Hiệp ước Moskva không có các quy định về thẩm tra.

Việc gia hạn "START mới" là biện pháp khả thi duy nhất hiện nay, có thể đảm bảo an ninh cho Mỹ trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, không may là những lời bình luận của ông Trump gần đây lại cho thấy ông không hiểu những lợi ích thực tế mà START mới đem lại.

Ông Trump có thể nhận được ít sự tư vấn từ Cố vấn an ninh quốc gia Bolton - người đã tham gia đàm phán Hiệp ước Moskva và hiện nay đang phản đối mạnh "START mới."

Tim Morrison, Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã cố gắng tìm cách phong tỏa việc phê chuẩn "START mới." Ông Bolton đã diễn tả nhiều lý do khác nhau khi phản đối "START mới," thể hiện sự bất đồng với quy định giới hạn các tên lửa chiến lược bởi cho rằng sẽ hạn chế khả năng phòng thủ truyền thống của Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Bolton cũng cho rằng "START mới" sẽ gây cản trở cho các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mặc dù hiệp ước này về thực chất chỉ cấm việc chuyển đổi các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ dưới mặt đất trở thành các hệ thống đánh chặn tên lửa di động.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ (MDA) cũng tuyên bố rằng việc chuyển đổi này còn tổn thất nhiều chi phí hơn so với việc xây dựng các hệ thống phóng ngầm mới.

Ngoài ra, ông Bolton không thích một thực tế là "START mới" có những quy định hạn chế sự tương đồng giữa hai bên và về tổng thể Bolton cho rằng Mỹ cần có nhiều vũ khí hạt nhân hơn Nga.

Quan điểm của Bolton đã không được chấp nhận trong năm 2010, thời điểm Thượng viện Mỹ đã đồng ý phê chuẩn "START mới" với tỷ lệ 71 phiếu thuận/26 phiếu chống. Có thể nói hiệp ước này đã đem lại lợi ích cho Mỹ từ năm 2010 đến nay và cả trong tương lai.

Việc bổ sung thêm các biện pháp "kiềm chế và minh bạch" trong "START mới" cũng sẽ góp phần kiểm soát được cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược và tạo điều kiện cho Mỹ tiếp tục tiếp nhận thông tin về các lực lượng chiến lược của Nga đến đầu những năm 20 cuả thế kỷ này. Điều đó sẽ cho phép Washington và Moskva có thêm thời gian để trình bày quan điểm của mình về vấn đề này đồng thời hỗ trợ quân đội Mỹ và cá nhân ông Trump một nền tảng chính trị cần thiết để thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận nào sắp tới giữa Nga và Mỹ đồng thời mở ra những khía cạnh tích cực cho chương trình nghị sự khó khăn giữa hai bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục