Gia Lai: Báo động tình trạng mất trộm càphê khi vào vụ thu hoạch

Gia Lai đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ càphê, đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở của người dân trộm cắp càphê bằng nhiều hình thức, thủ đoạn liều lĩnh và phức tạp.
Gia Lai: Báo động tình trạng mất trộm càphê khi vào vụ thu hoạch ảnh 1Thu hoạch càphê. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Gia Lai đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ càphê, đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở của người dân trộm cắp càphê bằng nhiều hình thức, thủ đoạn liều lĩnh và phức tạp.

Thực trạng này diễn ra khiến nhiều nông dân trồng càphê trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, hoang mang và bất an.

Qua thực tế tìm hiểu, các đối tượng xấu chủ yếu trộm cắp vào buổi đêm, thời điểm mọi người dân khó có thể bao quát hết tất cả các diện tích càphê.

Điển hình như vụ việc của gia đình anh Bùi Văn Tuyên ở thôn Cầu Vàng, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa xảy ra cách đây khoảng 10 ngày.

Lợi dụng đêm tối, những tên trộm đã lẻn vào rẫy của gia đình anh hái trộm 100 cây càphê đang chuẩn bị thu bói gây thiệt hại nặng cho gia đình.

Anh Tuyên bức xúc cho biết: "Gần đến ngày thu hoạch, tôi vào thăm rẫy thì phát hiện càphê bị kẻ gian hái trộm. Kẻ gian chủ yếu chọn những cây sai quả và thuận lợi để ra tay. Do chủ quan mọi năm không bị mất trộm nên năm nay mới xảy ra cơ sự này."

Theo nhiều người dân cho biết nguyên nhân xảy ra tình trạng mất trộm là do giá càphê năm nay cao hơn năm trước. Hiện giá càphê tươi được các đại lý thu mua dao động trên dưới 9.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2013.

Nhiều giải pháp đã được người dân áp dụng để bảo vệ nhưng giải pháp được ưu tiên nhất vẫn là thu hoạch sớm mặc dù biết rằng càphê chưa độ chín đều, chất lượng không đảm bảo.

Tuy mới chỉ diễn ra ở mức độ nhỏ lẻ nhưng nạn trộm cắp càphê đang gây nhiều thiệt hại về kinh tế và tâm lý của người nông dân.

Chị Dương Thị Hợi trú Thôn Cầu Vàng, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, cho biết: "Gia đình tôi làm lụng cả năm chỉ trông chờ vào mấy cây càphê, vậy mà tình trạng mất trộm lại liên tiếp xảy ra khiến tôi rất bất an. Gia đình tôi mới chỉ mất khoảng 20 cây, còn xung quanh hàng xóm có nhà mất đến cả trăm cây. Do đó để bảo toàn vườn cây, gia đình quyết định thu hoạch ngay mặc dù biết rằng trái càphê vẫn còn xanh, chưa đạt năng suất và nhân hạt không được tốt."

Thượng tá Nguyễn Trọng Quang, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội huyện Ia Grai, cho biết ngoài việc xuống tận cơ sở để vận động bà con có vườn càphê tự ý thức gìn giữ để bảo vệ tài sản, công an huyện cũng đã tổ chức thành lập các tổ tự quản để tuần tra ban đêm tại những khu vực xung yếu có nhiều diện tích càphê.

Ngoài ra, công an huyện cũng đã thành lập thêm hai tổ công tác trên hai tuyến trọng điểm, chia thành hai khu vực nơi có các trang trại, nông trường cũng như nơi có nhiều diện tích càphê của dân.

Tại các vùng trọng điểm càphê của tỉnh như huyện Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông... nạn trộm cắp càphê đã và đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người nông dân.

Không chỉ bị thiệt hại về kinh tế, người nông dân còn gánh chịu những tác hại về lâu dài, do các đối tượng trộm cắp chặt phá và tuốt quả không thương tiếc làm cho cây càphê khó có thể phục hồi.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền của tỉnh Gia Lai.

Cùng với đó, người trồng càphê cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản của gia đình. Khi xảy ra mất trộm cần báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để có những giải pháp đấu tranh, xử lý và phòng ngừa kịp thời, tránh thiệt hại, mất mát không đáng có trong vụ thu hoạch càphê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục