Gia Lai: Kiến nghị xử lý nghiêm chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 19

UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp thi công phù hợp, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đi lại của người dân được thuận tiện.
Gia Lai: Kiến nghị xử lý nghiêm chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 19 ảnh 1Những đoạn đường thi công cẩu thả gây mất an toàn giao thông của các nhà thầu thi công Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19) qua địa bàn tỉnh Gia Lai được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong việc mở ra cơ hội thông thương, kết nối từ Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan theo trục hành lang Đông-Tây.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án qua đại bàn tỉnh Gia Lai đã để xảy ra quá nhiều tồn tại, bất cập khiến người dân rất bức xúc.

Mặc dù nhiều lần bị ngành chức năng nhắc nhở, thậm chí là ra 10 quyết định xử phạt hành chính đối với các nhà thầu thi công nhưng dường như chủ đầu tư dự án vẫn phớt lờ các kiến nghị dẫn đến việc Cục Quản lý đường bộ III đã ra tối hậu thư nếu không kịp thời khắc phục sẽ thu hồi giấy phép thi công đã cấp và kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với Ban quản lý dự án 2 - chủ đầu tư dự án.

Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng

Cuối tháng 8/2021, Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 đi qua tỉnh Gia Lai đã tiến hành thi công từ cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh qua các huyện Đức Cơ, Chư Prông, thành phố Pleiku, huyện Đắk Đoa, Mang Yang, Đắk Pơ, thị xã An Khê đến giáp tỉnh Bình Định.

Theo ghi nhận của phóng viên, vừa qua mùa mưa năm 2022 cộng với việc chủ đầu tư không duy tu, bảo dưỡng khiến hầu như toàn bộ đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, tuyến đường đầy rẫy ổ gà, ổ voi và trở thành nỗi ác mộng của phương tiện tham gia giao thông. Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đền việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đi các địa phương khác.

Đang hì hục tự vá lốp giữa đường dưới cái nắng rát da, anh Trần Văn Thế, tài xế chạy xe giao hàng từ thành phố Pleiku về các huyện phía Nam Gia Lai cho biết các ổ gà, ổ voi chi chít, những vết cắt chôn cống không được san lấp tạo thành những hố tử thần khiến xe cộ thường xuyên hư hỏng.

Trước đây, để đến thị xã An Khê giao hàng chỉ đi khoảng 2 tiếng, hiện tại phải mất gần 4 tiếng mới tới nơi.

Ông Huỳnh Tấn Đức, xã K'Dang, huyện Đăk Đoa, bức xúc, cho biết cùng một đoạn đường mà bên này móc cống, bên kia đường cũng múc đất đá để tràn lan, một cơn gió là thổi bụi mù vào nhà dân. Mùa mưa vừa rồi, những khu vực đang thi công, nước không có lối thoát tống hết đất đá vào nhà dân.

Trước đây, dù mưa lớn hơn nhưng không bao giờ có cảnh ngập lụt này, chỉ từ khi thi công làm Quốc lộ 19 này mới bị vậy, nước còn cuốn trôi cả chiếc xe 16 chỗ ngồi ở cầu Vàng, các vụ ngã xe máy liên tục vì sập ổ gà, ổ voi.

[Tuyến cao tốc Gia Lai-Quy Nhơn: Mở lối cho Tây Nguyên vươn biển]

Riêng thống kê của Ủy ban Nhân dân xã K'Dang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai), đợt mưa ngày 15/9/2022 toàn xã có 38 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước và đất đá tràn thẳng vào nhà dân gây thiệt hại rất nhiều tài sản, hoa màu của người dân.

Phớt lờ chỉ đạo của ngành chức năng

Ngoài việc gây ảnh hưởng đến đời sống người dân hai bên tuyến Quốc lộ 19 đang thi công, việc các nhà thầu không đánh giá hết tác động môi trường dẫn đến việc tiến độ thi công ì ạch.

Theo dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2023, nhưng đến cuối năm 2022, các nhà thầu thi công mới chỉ triển khai được khoảng gần 30% khối lượng các công trình.

Theo những hộ dân sống hai bên đường, việc thi công Quốc lộ 19 chậm trễ, đường đào xong để đó là nguyên nhân chính khiến nước, đất đá cuốn vào nhà dân gây bức xúc dư luận.

Trước tình trạng đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai và cả Cục Quản quản lý đường bộ III đã phát đi nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công dự án. Thậm chí, Cục Quản quản lý đường bộ III đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà thầu thi công nhưng Ban Quản lý dự án 2 vẫn phớt lờ quy định, không ráo riết kiểm tra, chỉ đạo để các nhà thầu thi công liên tục bị phạt.

Cụ thể, tháng 5/2022, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 2, nêu rõ công tác bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công trên đường đang khai thác chưa đảm bảo; nhiều vị trí thi công nền đường đào sâu chưa được bố trí đầy đủ biển báo, cọc tiêu, rào chắn, các phương tiên lưu thông qua vị trí này rất dễ gây tai nạn, ách tắc giao thông. Từ đó, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Sau nhiều văn bản nhắc nhở, xử phạt nhưng không tiến triển, ngày 15/9, Cục Quản lý đường bộ III phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cũng tiến hành kiểm tra hiện trường dự án thi công Quốc lộ 19 và phát hiện nhiều tồn tại, bất cập.

Cụ thể, quá trình thi công đường làm phát sinh nhiều vị trí hư hỏng ổ gà, bong tróc trên mặt đường hiện hữu nhưng không được vá sửa để đảm bảo giao thông, điển hình như gói thầu XL-03, XL-4A, XL-06.

Công tác thi công đào khuôn đường đã lâu nhưng không hoàn trả kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân, gây bức xúc dư luận; các cầu tạm Bailey khi đưa vào khai thác thường xảy ra ùn tắc giao thông nhưng không có người trực điều tiết, phân luồng; móng mố cầu tạm bằng rọ đá có nguy cơ xảy ra xói lở, mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ; đường dẫn 2 đầu cầu tạm bị sình lầy, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và phương tiện.

Gia Lai: Kiến nghị xử lý nghiêm chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 19 ảnh 2 Hầu hết các tuyến đường đang thi công Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đều không có các biển báo, cọc tiêu, rào chắn gây mất an toàn giao thông toàn tuyến. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngoài ra, tại một số đoạn thi công mở rộng nền đường sang hai bên thiếu cọc tiêu dẫn hướng, dây phản quang, rào chắn, biển báo đặt không đúng nơi quy định và không có người hướng dẫn điều tiết giao thông, nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

Theo Cục Quản lý đường bộ III, Ban Quản lý dự án 2 phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông mà nguyên nhân do việc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án.

Do đó, Cục Quản lý đường bộ III đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương thực hiện vá sửa ngay các vị trí mặt đường bị hư hỏng ổ gà; khẩn trương thi công hoàn trả kết cấu nền mặt đường; gia cố, gia cường móng mố các cầu tạm để đảm bảo an toàn cầu trong mùa mưa lũ; vá sửa các vị trí sình lầy tại đường dẫn hai đầu cầu tạm.

Yêu cầu bổ sung, bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (cọc tiêu, dây phản quang, biển báo…) theo quy định, bố trí người trực gác, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các vị trí thi công.

Những kiến nghị cấp bách

Là địa phương chịu ảnh hưởng, tác động của việc thi công Quốc lộ 19 đến dân cư nhiều nhất, đại diện xã K'Dang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cho rằng chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành tuyến đường chứ nếu để tình trạng như hiện tại, gần 2 năm qua, người dân chịu ảnh hưởng, thiệt hại nhiều, ngoài việc ngập lụt, hư hại tài sản hoa màu vào mùa mưa, hiện đang là mùa thu hoạch nông sản nhưng bà con không chở về nhà được, đành phải bán tháo tại rẫy.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Đoa cho biết chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư xử lý ngay từ những bước đầu tiên như giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, khi thi công, dự án để xảy ra quá nhiều tồn tại. Mong muốn của địa phương là làm sao đẩy nhanh tiến độ thi công Quốc lộ 19, hạn chế tối đa phiền hà, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi việc thi công Quốc lộ 19 trên địa bàn, ngày 21/9, ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ký văn bản số 2138 gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc kiến nghị xử lý các tồn tại trong quá trình thi công Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua địa bàn tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình thi công trên toàn tuyến; yêu cầu nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp thi công phù hợp, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đi lại của người dân được thuận tiện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Ban quản lý dự án 2 thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công; kịp thời sửa chữa các vị trí mặt đường bị hư hỏng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật lưu thông an toàn cho người và phương tiện. Lưu ý đảm bảo giao thông tại các vị trí thi công cầu, cống và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.

Từ góc độ chuyên môn, theo ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, việc đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 19 là mong muốn của cử tri, chính quyền 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định.

Sau khi hoàn thành, đây là tuyến đường kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các tỉnh Duyên Hải Miền Trung với 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên, trong đó có Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thuộc tỉnh Gia Lai và Cửa khẩu quốc tế Bờ Y của tỉnh Kon Tum.

Gia Lai: Kiến nghị xử lý nghiêm chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 19 ảnh 3 Xe cộ hư hỏng dọc đường do gặp phải quá nhiều ổ gà, ổ voi trên tuyến Quốc lộ 19 đang thi công. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Tuy nhiên, trong quá trình thi công có những nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến công trình chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Về phía địa phương, tỉnh Gia Lai mong muốn Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Trước những tồn tại nêu trên, ông Lê Tuấn Mạnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2, lại cho rằng, trời mưa nhiều khiến tiến độ thi công bị đình trệ và ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân dọc tuyến cũng như việc khắc phục những ổ voi, ổ gà trên tuyến đường.

Theo ông Mạnh, những hộ dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thi công Quốc lộ 19 đã được Ban Quản lý dự án 2 thống kê, mời bảo hiểm dự án tiến hành thẩm định, sau đó sẽ có phương án hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.

Tại một số gói thầu chậm trễ tiến độ và những đơn vị thi công thường xuyên bị nhắc nhở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Ban Quản lý dự án 2 sẽ có kế hoạch đôn đốc khắc phục trả lại mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông cũng như ổn định đời sống của người dân, trường hợp không khắc phục theo yêu cầu, sẽ chiếu theo các điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên mà xử lý. Dự kiến đến hết tháng 11, Ban Quản lý dự án 2 cũng sẽ hoàn trả hết diện tích mặt đường trên tuyến Quốc lộ 19.

Cũng theo ông Mạnh, do các nhà thầu hầu hết từ miền Bắc vào thi công nên không đánh giá hết các rủi ro do thời tiết Tây Nguyên, cùng với đó, do các mũi thi công quá lớn khiến nhà thầu không kịp đắp hoàn trả lại mặt đường, cầu cống, tuy nhiên, cũng có những nhà thầu đánh giá hết tác động môi trường nên đào không nhiều, thi công đủ, hoàn trả mặt bằng đường ngay. Về tiến độ thi công, ông Mạnh khẳng định tuy hiện tại các gói thầu có chậm tiến độ nhưng dự án sẽ triển khai, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Sau nhiều ý kiến bức xúc từ cử tri, kiến nghị của chính quyền địa phương, thậm chí là cấp quản lý Nhà nước nhưng những tồn tại, bất cập nêu trên, Ban Quản lý dự án 2 vẫn liên tục để tiếp diễn.

Đến cuối tháng 9/2022, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có văn bản 5966 gửi Bộ Giao thông Vận tải, kiến nghị đơn vị này chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục các tồn tại như trước đó Cục quản lý đường bộ III đã nêu rõ trong các văn bản.

“Trường hợp Ban 2 không quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công sửa chữa khắc phục các tồn tại, Cục sẽ thu hồi giấy phép thi công đã cấp, đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét trách nhiệm đối với Ban quản lý dự án 2,” ông Nguyễn Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III nêu rõ trong văn bản số 1502 ngày 16/9/2022.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 khu vực Tây Nguyên dài khoảng 143km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km) có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng).

Cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục