Giá lúa tại khu vực ĐBSCL duy trì ở mức cao nhờ trợ lực xuất khẩu

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam đang ở mức 653 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm ở mức 638 USD/tấn, đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay.
Giá lúa tại khu vực ĐBSCL duy trì ở mức cao nhờ trợ lực xuất khẩu ảnh 1Kho gạo của một công ty. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua duy trì ở mức khá cao. Cùng với đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 653 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay và cao hơn hẳn giá gạo xuất khẩu của các quốc gia khác.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: Đài thơm 8 từ 8.800-9.000 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 8.800-9.000 đồng/kg; OM 5451 từ 8.800-9.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; IR 50404 từ 8.700-8.800 đồng/kg; OM 18 ở mức từ 8.800-9.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa Nhật vẫn ổn định từ 7.800-8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô và nếp Long An khô đều dao động ở mức từ 9.400-9.800 đồng/kg.

[Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt, cao nhất từ trước đến nay]

Trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000-14.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000-18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 3,97 tỷ USD với sản lượng 7,12 triệu tấn. Giá xuất khẩu gạo trung bình 9 tháng đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với Ấn Độ, Thái Lan.

Lũy kế đến cuối tháng 10, cả nước gieo cấy được hơn 7 triệu ha lúa, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hoạch hơn 6,3 triệu ha, giảm 1% với năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Sản lượng lúa thu hoạch 39,1 triệu tấn, tăng 0,8%.

Riêng lúa Thu Đông, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 692.900 ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện các địa phương đã thu hoạch 272.300ha, giảm 13,2%; sản lượng đã thu hoạch 1,55 triệu tấn, giảm 12%.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam đang ở mức 653 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm ở mức 638 USD/tấn, đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Parkistan tiếp tục xu hướng giảm. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan xuất khẩu ở mức 560 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 520 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Pakistan ở mức 563 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 488 USD/tấn.

Trong khi giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập đỉnh mới thì giá gạo đồ xuất khẩu tại Ấn Độ ghi nhận tuần giảm thứ 5 liên tiếp do nguồn cung dồi dào, đồng rupee yếu hơn và nhu cầu của thị trường sụt giảm sau động thái gia hạn thuế đối với loại gạo này của Chính phủ Ấn Độ.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống từ 490-500 USD/tấn, từ mức từ 495-505 USD/tấn ghi nhận vào tuần trước.

Một công ty xuất khẩu gạo có trụ sở tại Mumbai cho biết nguồn cung từ vụ thu hoạch mới ở các bang miền Bắc Ấn Độ đang đổ về, qua đó kéo giá gạo đi xuống. Các nhà xuất khẩu cũng đang nhận được sự trợ giúp từ đồng rupee yếu - nhân tố khiến họ dễ dàng hạ giá xuất khẩu hơn.

Hồi đầu tháng này, Ấn Độ thông báo gia hạn mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu tới tháng 3/2024 (theo kế hoạch ban đầu, mức thuế này sẽ hết hạn vào ngày 15/10/2023).

Đáng chú ý, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên sau 8 năm, làm tăng khả năng Chính phủ Ấn Độ sẽ gia hạn chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để kiểm soát giá lương thực.

Trong khi đó, Cơ quan Hải quan Philippines (BOC) cho biết hoạt động nhập khẩu gạo của nước này khá ổn định, không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục