Nhu cầu từ thị trường Indonesia đẩy giá gạo của Việt Nam tăng cao

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 640-645 USD/tấn so với 625-630 USD/tấn của tuần trước, trong khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 568-570 USD/tấn so với mức từ 575-580 USD/tấn trong tuần trước.
Nhu cầu từ thị trường Indonesia đẩy giá gạo của Việt Nam tăng cao ảnh 1Nông dân phấn khởi vì giá lúa tăng cao. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Giá lúa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tuần qua tiếp tục duy trì đà tăng. Cùng với đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 640-645 USD/tấn so với mức từ 625-630 USD/tấn trong tuần trước.

Nhu cầu cao của Indonesia được cho là đã làm tăng giá gạo của Việt Nam.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá nhiều loại lúa đều tăng khá so với tuần trước như: Đài thơm 8 từ 8.800-9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá từ 8.800-9.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 8.700-8.900 đồng/kg, IR 50404 từ 8.600-8.800 đồng/kg đều tăng từ 400- 600 đồng/kg; OM 18 ở mức từ 8.700-8.800 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; riêng lúa Nhật vẫn ổn định từ 7.800-8.000 đồng/kg;

Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức từ 9.500-9.800 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.400-9.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000-14.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000-18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Tại Đồng Tháp, giá lúa chất lượng cao được thương lái mua tại ruộng với giá 8.800 đồng/kg, có nơi 9.000 đồng/kg, cao hơn so cùng kỳ năm 2022 từ 2.000-2.500 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, vụ lúa Thu Đông ở Đồng Tháp lãi hơn 30 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.

Đa số diện tích sản xuất vụ lúa Thu Đông được bà con nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao để sản xuất như: giống lúa Đài thơm 8, OM 18, OM 4900, OM 5451 chiếm hơn 70% diện tích.

Vụ lúa Thu Đông năm 2023, tỉnh Đồng Tháp xuống giống được 121.968 ha/116.000 ha, đạt 105,1% so với kế hoạch, lúa thu hoạch gần dứt điểm, năng suất bình quân 60,8 tạ/ha.

Nhu cầu từ thị trường Indonesia đẩy giá gạo của Việt Nam tăng cao ảnh 2Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cùng với giá lúa trong nước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 640-645 USD/tấn so với mức từ 625-630 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tăng do nhu cầu lớn từ Indonesia, trong khi nguồn cung trong nước không thay đổi, đồng thời cho biết thêm xung đột ở Trung Đông có thể thúc đẩy các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Thương nhân này cho biết thêm lo ngại về sản lượng vụ Thu Đông thấp hơn cũng hỗ trợ giá.

[Thuế xuất khẩu khiến giá gạo Ấn Độ giảm tuần thứ tư liên tiếp]

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn từ 568-570 USD/tấn so với mức từ 575-580 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Bangkok cho biết giá giảm do nguồn cung bổ sung từ các nhà xay xát, đồng thời nhu cầu từ Indonesia, nơi đang tìm kiếm nguồn cung hàng trước Giáng sinh, đang hạn chế mức giảm.

Giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh "vựa lúa" hàng đầu châu Á này gần đây đã gia hạn thuế xuất khẩu đối với gạo đồ đến tháng 3/2024, làm giảm nhu cầu.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống còn từ 495-505 USD/tấn từ mức 510-520 USD/tấn trong tuần trước. Ngày 13/10, Ấn Độ đã gia hạn thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu cho đến tháng 3/2024.

Ngoài ra, một nhà xuất khẩu tại New Delhi cho biết giá gạo đang giảm do nguồn cung từ vụ mùa mới. Điều này cho phép các nhà xuất khẩu giảm giá bán gạo.

Các nguồn tin chính phủ và ngành cho biết New Delhi dự kiến sẽ giảm giá sàn ấn định cho xuất khẩu gạo basmati sau khi nông dân và nhà xuất khẩu phàn nàn rằng điều này gây tổn hại đến thương mại.

Một thương nhân khác cho biết quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo trắng không phải basmati sang một số nước của Ấn Độ và nhu cầu yếu hơn từ châu Phi cũng góp phần khiến giá giảm.

Nhu cầu từ thị trường Indonesia đẩy giá gạo của Việt Nam tăng cao ảnh 3Vận chuyển gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời ở Tân cảng Thốt Nốt, Cần Thơ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong khi đó, các quan chức cho biết nước láng giềng Bangladesh đã rút lại kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm do nước này phải nỗ lực kiềm chế giá trong nước tăng cao mặc dù sản lượng và khối lượng dự trữ tốt.

Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, các mặt hàng nông sản giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn lúa mỳ giảm.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 tăng 1,5 xu (0,31%) lên 4,8075 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 1/2024 tăng 19,25 xu (1,48%) lên 13,195 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 12/2023 giảm 4 xu (0,69%) xuống 5,755 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá đậu tương sẽ khó sụt giảm do lợi nhuận của nhà chế biến vì nguồn cung đậu tương ở Argentina sẽ không được bổ sung đầy đủ cho đến mùa Xuân.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago nhận thấy không có yếu tố gì có thể ảnh hưởng tới sản lượng ngô và đậu tương, ít nhất là vào mùa Đông. Những dự đoán về sản lượng sẽ tập trung vào mức độ phục hồi, điều này sẽ phụ thuộc vào thời tiết Nam Mỹ từ tháng 12 trở đi.

Nguồn cung cấp ngũ cốc của Ukraine đã được khôi phục và lúa mỳ Nga được chào bán ở mức giá thấp hơn 20 USD/tấn so với lúa mỳ châu Âu.

Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê robusta trên sàn ICE Europe-London nối tiếp đà giảm phiên thứ tư. Giá càphê robusta giao tháng 1/2024 giảm thêm 37 USD xuống 2.383 USD/tấn và giá càphê giao tháng 3/2024 giảm thêm 30 USD xuống 2.355 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng giảm. Giá càphê arabica giao tháng 12/2023 giảm 0,25 xu xuống 160,95 xu/lb và giá càphê arabica giao tháng 3/2024 giảm 0,40 xu xuống 160,50 xu/lb (1lb=0,45 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 500-600 đồng, xuống dao động trong khung 58.700-59.400 đồng/kg.

Giá càphê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp nhất tuần sau áp lực thanh lý kéo dài trên cả hai thị trường. Chỉ số đồng USD tăng nhẹ cũng góp phần làm giá giảm.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định không thay đổi mức lãi suất hiện hành từ 4-4,5%/năm.

Dữ liệu lạm phát ở Mỹ vẫn cao hơn mức mục tiêu do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra khiến nhà đầu tư Phố Wall lo ngại Fed sẽ có quyết định "cứng rắn" hơn tại phiên họp điều hành tiền tệ vào giữa tuần sau.

Thị trường cũng phản ứng tiêu cực với cuộc xung đột ở Trung Đông làm nhu cầu tài sản rủi ro tăng cao. Chứng khoán Mỹ kết phiên trái chiều.

Báo cáo thời tiết ở các vùng càphê chính phía đông nam Brazil có nhiều mưa hỗ trợ tốt cho cây càphê làm bông vụ mới và báo cáo tồn kho ICE-New York giảm xuống mức thấp 1 năm đã hỗ trợ giá không giảm sâu hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục