Gia tăng các vụ đe dọa của mafia với chính quyền ở Italy

Thống kê của Chính phủ Italy cho thấy các vụ mafia đe dọa, phá hoại các cơ quan công quyền ở nước này đang gia tăng ở mức báo động.
Gia tăng các vụ đe dọa của mafia với chính quyền ở Italy ảnh 1 Cảnh sát Italy bắt giữ một đối tượng trong chiến dịch truy quét băng nhóm mafia khét tiếng 'Ndrangheta ở miền Nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

351 vụ đe dọa và phá hoại trong năm 2013 nhắm vào các quan chức và nhân viên công quyền địa phương từ mafia, trung bình mỗi ngày gần một vụ.

Đó là con số thống kê mà Bộ trưởng quan hệ với các vùng của Chính phủ Italy Maria Lanzetta trình Ủy ban điều tra của Quốc hội về các vụ đe dọa đối với cơ quan chính quyền địa phương ở nước này.

Theo bà Lanzetta, các con số trên cho thấy, các chính quyền địa phương ở Italy ngày càng trở thành mục tiêu hăm dọa của các hệ thống tội phạm, do chúng gây áp lực lên họ khi nhận thấy các hoạt động tội của chúng bị cản trở.

Các hình thức hăm dọa rất đa dạng, nhưng nhiều nhất là đốt xe hơi của quan chức địa phương, gửi viên đạn trong phong bì, hoặc thậm chí gửi đầu lợn hoặc đầu dê vấy máu.

Các thống kê cho biết, số lượng các vụ hăm dọa theo hình thức trên đã tăng 66% kể từ năm 2000, và diễn ra ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhưng chủ yếu là ở miền Nam Italy, nơi các băng nhóm mafia hoạt động mạnh nhất.

Bà Lanzetta cho rằng, việc số lượng các vụ đe dọa gia tăng nhanh chóng cùng với số lượng các chính quyền địa phương bị giải thể vì mafia thâm nhập lên tới 243 kể từ năm 1991 đến nay đã cho thấy sự nghiêm trọng của tình hình, khi mafia đang ngóc đầu dậy và hoạt động mạnh hơn, thách thức những ai chống lại chúng.

Trong nhiều trường hợp, những người bị đe dọa đã rời bỏ nhiệm vụ vì lo ngại đến an toàn tính mạng của họ và gia đình. Nhưng không ít trường hợp họ không lùi bước.

Tuy nhiên, theo Bộ trường Lanzetta, việc nhân dân và các đồng nghiệp bày tỏ sự đoàn kết với các quan chức công quyền bị đe dọa chưa đủ, mà Nhà nước và các cơ quan liên quan của Italy cần phải thể hiện sự có mặt của họ tại địa bàn, nhằm đảo bảo cho quan chức thực hiện được nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Theo bà, những người thực hiện công quyền ở địa phương luôn sống trong tình trạng "cô đơn" và không được hỗ trợ đầy đủ về nhân lực và tài chính trong công việc của mình cũng như cuộc chiến chống mafia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục