Gia tăng số ca mắc cúm trái mùa và nhập viện vì nắng nóng tại Nhật Bản

Khoảng 5.000 cơ sở y tế được chỉ định ở Nhật Bản đã báo cáo thêm 34.665 ca mắc cúm trong tuần kể từ ngày 11/9, tăng so với 22.111 ca trong tuần trước đó.
Gia tăng số ca mắc cúm trái mùa và nhập viện vì nắng nóng tại Nhật Bản ảnh 1Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản công bố ngày 22/9 cho thấy số ca mắc cúm mới tại các cơ sở y tế được chỉ định ở nước này đã tăng 57% trong tuần qua.

Đây là mức tăng chưa từng có đối với loại virus cúm thường phổ biến trong mùa Đông.

Khoảng 5.000 cơ sở y tế được chỉ định ở Nhật Bản đã báo cáo thêm 34.665 ca mắc cúm trong tuần kể từ ngày 11/9, tăng so với 22.111 ca trong tuần trước đó. Trung bình mỗi cơ sở y tế tiếp nhận thêm 7,03 ca mắc cúm.

Riêng 7 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Tokyo, mỗi cơ sở y tế tiếp nhận trung bình hơn 10 bệnh nhân.

[Nhật Bản trải qua mùa Hè nắng nóng kỷ lục trong năm 2023]

Mùa cúm ở Nhật Bản thường kết thúc vào mùa Xuân, nhưng năm nay, số ca mắc cúm trung bình hằng tuần tại mỗi cơ sở y tế ở nước này vẫn tiếp tục vượt mức trung bình cho đến mùa Hè, thậm chí còn tăng từ cuối tháng Tám.

Các chuyên gia y tế cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng gia tăng ca mắc cúm "trái mùa," trong đó có thể do khả năng miễn dịch thấp xuất phát từ việc số ca mắc cúm giảm kể từ khi chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19.

Liên quan tới tình hình COVID-19, số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản cũng cho thấy, trong tuần kể từ ngày 11/9, số ca mắc mới COVID-19 tại các cơ sở y tế được chỉ định là 86.510 ca, tức là mỗi cơ sở tiếp nhận trung bình 17,54 ca, giảm 13% so với tuần trước.

Cùng ngày 22/9, Cơ quan Quản lý Thiên tai và Hỏa hoạn Nhật Bản (FDMA) cho biết tổng cộng 34.835 người đã được đưa đến các bệnh viện với các triệu chứng sốc nhiệt vào tháng 8 vừa qua khi nước này trải qua mùa Hè nắng gắt với các mức nhiệt cao kỷ lục.

Con số này thấp hơn mức kỷ lục 43.060 ca vào tháng Tám năm ngoái nhưng vẫn là mức cao thứ ba so với tháng 8 của các năm trước đó.

Theo FDMA, người cao tuổi là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm 55% số ca nhập viện do sốc nhiệt. Trong số trường hợp được đưa đến bệnh viện có 48 trường hợp tử vong và 11.176 phải nhập viện điều trị.

Để phòng tránh sốc nhiệt vào mùa nắng nóng, cơ quan trên khuyến nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như uống đủ nước, hạn chế các hoạt động ngoài trời trong giờ nắng nóng cao điểm và sử dụng các phương pháp làm mát cơ thể.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết nước này đã chứng kiến mức nhiệt độ trung bình cao nhất trong mùa Hè năm nay, với nhiệt độ trung bình các tháng 6-7-8 cao hơn 1,76 độ C so với thông thường.

Mức nhiệt trung bình mùa Hè ở Nhật Bản đã vượt mức tăng kỷ lục 1,08 độ C ghi nhận vào năm 2010, khiến mùa Hè năm nay trở thành mùa Hè nóng nhất trong lịch sử nước này kể từ năm 1898./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục