Tính đến 9h sáng 25/6, thế giới ghi nhận hơn 9,52 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 483.000 ca tử vong.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Mỹ và một số điểm nóng tại các châu lục khác, làm gia tăng hoài nghi về khả năng thế giới sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường.
Theo thống kê trên trang mạng worldometers.info, tính đến sáng 25/6, Mỹ, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh, ghi nhận hơn 2,46 triệu ca mắc, trong đó có hơn 124.000 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ có tổng cộng 2,86 triệu ca mắc, với số ca tử vong là hơn 158.800 người.
Tiếp đến là Mexico cũng là một điểm nóng dịch bệnh tại khu vực này với hơn 191.400 ca mắc trong đó có hơn 23.300 ca tử vong. Tại Khu vực Nam Mỹ, Brazil vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với hơn 1,19 triệu ca nhiễm và hơn 53.800 ca tử vong.
Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 1.492 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 191.657 ca, trong đó có 5.025 ca tử vong, tăng 24 ca so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức họp trực tuyến với các đồng nghiệp Trung Quốc tại tỉnh Hồ Bắc để thảo luận về các biện pháp phòng chống và điều trị bệnh COVID-19. Trong khi đó, Bỉ tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng trong giai đoạn kế tiếp, được bắt đầu vào ngày 1/7.
Cũng từ ngày này, các sự kiện công cộng có thể được tổ chức với số lượng người tham dự tối đa là 200 người khi diễn ra trong nhà, con số trên sẽ là 400 người nếu ở ngoài trời. Bể bơi, trung tâm chăm sóc sức khỏe, công viên, nhà hát, rạp chiếu phim, sòng bạc, hội trường, phòng tiệc và phòng tiếp tân cũng có thể mở cửa trở lại nhưng chỉ được đón tiếp nhiều nhất là 50 người.
Các hoạt động trên được cho phép nếu đảm bảo các quy tắc về an toàn sức khỏe như giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét, đeo khẩu trang và tôn trọng thời gian đóng cửa.
Châu Phi hiện ghi nhận tổng cộng 338.766 ca mắc bệnh, trong đó có hơn 8.800 ca tử vong. Quốc gia chịu tác động mạnh nhất trong khu vực là Nam Phi với hơn 2.200 ca tử vong trong tổng số hơn 111.700 ca mắc bệnh.
Sau Nam Phi là Ai Cập với hơn 59.500 ca mắc bệnh trong đó có hơn 2.400 ca tử vong. Ở Trung Đông, dịch bệnh đang diễn biến mạnh trở lại tại Iran.
Quốc gia này ghi nhận thêm 2.531 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 212.501 ca trong khi số ca tử vong cũng tăng 133 ca lên 9.996 ca tử vong.
Bộ Y tế Iraq cũng cảnh báo tình hình y tế nghiêm trọng sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 2.200 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên mức hơn 36.700 ca.
[Diễn biến COVID-19 đến sáng 25/6: Số ca nhiễm vượt 9,5 triệu]
Dịch bệnh lây lan rộng, không có dấu hiệu được kiểm soát một cách chặt chẽ tại hầu hết các quốc gia, đã tác động mạnh tới những đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới ngay cả khi các nước đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra một "cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy," khiến Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm 2020 và làm biến mất 12.000 tỷ USD trong 2 năm.
IMF cho biết hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu việc làm biến mất, và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất khó đoán vì không thể dự báo diễn biến của dịch bệnh.
Tại khu vực Đông Nam Á, do lo ngại những tác động khôn lường của đại dịch tới nền kinh tế, chính phủ Philippines đã chuẩn bị Dự trù Ngân sách quốc gia năm 2021 ở mức cao kỷ lục 4.300 tỷ peso (tương đương 85,97 tỷ USD), tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế.
Trong khi đó, Campuchia đã triển khai chương trình hỗ trợ tiền cho người nghèo và người dễ tổn thương trong xã hội do tác động của đại dịch.Chính phủ Campuchia sẽ hỗ trợ cho khoảng 600.000 hộ gia đình với tổng số tiền 25 triệu USD mỗi tháng./.