Sự bùng nổ công nghệ truyền thông mới và xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra những cơ hội thuận lợi, song cũng đem lại thách thức không nhỏ cho báo chí và truyền thông.
Trong bối cảnh đó, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ :“Báo chí muốn đi tiếp thì phải quay về 94 năm trước đây khi báo chí cách mạng ra đời, để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình. Đó là tính cách mạng và tính tiên phong. Phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội là xây dựng và bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giữ gìn văn hóa dân tộc…”
Dòng chủ lưu tốt đẹp
94 năm trước, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã khởi nguồn cho báo chí cách mạng. Trải qua các giai đoạn cách mạng, báo chí luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, “phò chính trừ tà,” đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, khẳng định vai trò là dòng chủ lưu tốt đẹp, cảm hóa, động viên khích lệ đông đảo quần chúng nhân dân.
Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ mà oanh liệt, báo chí đã góp phần lan tỏa, thôi thúc các phong trào thi đua yêu nước như “Cờ Ba nhất,” “Sóng Duyên hải,” “Gió Đại Phong”… phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm thâm canh, tăng vụ, vỡ hoang trồng màu… được đông đảo công chúng đón nhận, đánh giá cao.
Báo chí đã phản ánh sinh động, chân thực, góp phần tôn vinh những tấm gương tiêu biểu như Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Trịnh Xuân Bái…; “thắp lửa” ý chí sản xuất và chiến đấu của toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ, qua việc phát hiện, cổ vũ các phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc, “Năm xung phong” ở miền Nam…
[Tin giả tràn lan, cần vai trò định hướng của dòng thông tin chủ lưu]
Ra khỏi chiến tranh, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Qua báo chí, công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành tựu của đất nước trên mọi lĩnh vực.
Qua các phóng sự, các bài viết phản ánh, bình luận, xã luận, báo chí góp phần cổ vũ, động viên cho các phong trào, các cuộc vận động lớn như“Khoán 10,” “Xóa đói giảm nghèo,” “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi,” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư," “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” “Đền ơn đáp nghĩa,” “Chung tay làm vơi nỗi đau da cam,” “Góp đá cho Trường Sa,” “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Nhìn nhận về vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng: “Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng,” “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận.
Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo-chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc.
Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.”
Giá trị cốt lõi
Trong guồng quay thị trường, một số cơ quan báo chí đã thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin không đúng sự thật; thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Tình trạng báo chí sa đà vào phản ánh mặt trái xã hội, cố tình khai thác những thông tin giật gân, câu khách, thậm chí “đánh hội đồng” cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đã làm giảm lòng tin của công chúng và của chính quyền các cấp vào báo chí.
Một bộ phận người làm báo tha hóa về đạo đức và có khuynh hướng “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ, dẫn đến một số hành vi vi phạm pháp luật.
Trước những tác động bất lợi của bối cảnh tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc...”
Nhìn một cách tổng thể, phần lớn cơ quan báo chí, truyền thông vẫn chủ động truyền đi thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, lan tỏa sự tử tế trong cộng đồng.
Những thông tin kịp thời, chuẩn xác, góp phần định hướng dư luận, ổn định tình hình, biểu dương những tấm gương vượt khó của người dân, những nỗ lực vì dân của cán bộ đảng viên, chính quyền các cấp.
Báo chí, truyền thông đã và đang tham gia quyết liệt vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần phát hiện, làm sáng tỏ nhiều vụ việc có dấu hiệu lạm quyền, tham nhũng.
Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ “đại án” liên quan đến các nhân vật như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Trần Bắc Hà… trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần quan trọng củng cố quyết tâm, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Những đóng góp của báo chí đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công chúng đánh giá cao.
Mới đây, trong bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam," Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong việc gìn giữ “mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng,” bởi đây chính là “nền tảng cho sự ổn định chính trị, xã hội của nước ta.”
Biểu dương, tôn vinh cái tốt, đẩy lùi cái xấu, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội tiến bộ hơn, đó chính là sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam./.