Giá trị thực sự của những từ ngữ trên bao bì thực phẩm

Kết quả nghiên cứu mới của Đại học Houston đã cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi mua sản phẩm có vỏ bao bì chứa những từ ngữ như "không chứa gluten."
Giá trị thực sự của những từ ngữ trên bao bì thực phẩm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: vancouversun)

Những từ ngữ như "không chứa gluten," "chất chống oxi hóa," hay "ngũ cốc nguyên hạt" được in trên bao bì của đủ loại sản phẩm tại các siêu thị, nhưng liệu chúng có thực sự mang ý nghĩa rằng các sản phẩm này là tốt cho sức khỏe hay không?

Kết quả của một nghiên cứu mới được thực hiện tại Đại học Houston đã cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi mua sắm những sản phẩm này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng các từ ngữ liên quan tới sức khỏe trong quảng cáo sản phẩm có ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những nguyên liệu đang được sử dụng trong một vài sản phẩm loại này, thì những từ ngữ đó có thể truyền đạt một cảm giác sai lầm về sức khỏe tới người tiêu dùng.

Ví dụ như sản phẩm Cherry 7Up hiện đang được gắn mác "chất chống oxi hóa" - từ ngữ đã trở thành biểu tượng của chống lão hóa, ung thư và bệnh tim mạch.

"Việc nói rằng Cherry 7Up có chứa chất chống oxi hóa dễ khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm," Temple Northup, trợ lý giáo sư tại trường Đào tạo Truyền thông Jack J. Valenti thuộc đại học Houston cho biết. "Các nhà quảng cáo thực phẩm đang lợi dụng mong muốn tiêu thụ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng để quảng cáo sản phẩm như thể chúng giàu dinh dưỡng và có lợi, nhưng thực chất thì không phải vậy."

Mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng như các cơ quan quản lý của nhiều nước trên thế giới đã có quy định về việc trình bày mục giá trị dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm, tuy nhiên nghiên cứu của Northup đã kết luận rằng những thông tin này không có ảnh hưởng lắm tới các quyết định tiêu dùng.

"Những từ ngữ như 'hữu cơ,' 'chất chống oxi hóa,' 'tự nhiên' và 'không chứa gluten' mang hàm ý chỉ những lợi ích về sức khỏe," Northup cho biết. "Khi mọi người thực sự nghĩ kỹ, họ sẽ thấy rằng Cherry 7Up chứa chất chống oxi hóa thực ra không hề có lợi cho sức khỏe - thành phần chính của sản phẩm này chỉ là đường hoặc siro giàu fructose. Nhưng cái tên của sản phẩm gợi ý rằng nó có lợi cho sức khỏe theo một cách nào đó, mặc dù bản thân sản phẩm này không hề có lợi chút nào."

Trong quá trình nghiên cứu, tổng cộng 318 người tham gia đã được yêu cầu phân tích về những lợi ích cho sức khỏe của một số loại sản phẩm và xác định xem sản phẩm đó có lợi cho sức khỏe của họ hay không.

Những người tham gia được cho xem nhãn hiệu của các sản phẩm sau đây, có hoặc không có thêm các "từ ngữ ma thuật" đi kèm: snack hoa quả Annie's Bunny ("hữu cơ"), Apple Sauce ("hữu cơ"), Chef Boyardee Beefaroni ("ngũ cốc nguyên hạt") Chef Boyardee Lasagna ("ngũ cốc nguyên hạt"), Chocolate Cheerios ("có lợi cho tim mạch"), Cherry 7Up ("chất chống oxi hóa"), bơ lạc Smuckers ("hoàn toàn tự nhiên") and Tostitos ("hoàn toàn tự nhiên").

Thông qua một cuộc điều tra trên mạng, nhóm nghiên cứu của Northup đã cho những người tham gia xem nhãn hiệu của các sản phẩm nói trên, cùng với phiên bản mà các từ ngữ dễ gây hiểu lầm đã được lược bỏ bằng Photoshop. Những người tham gia được yêu cầu nêu suy nghĩ của họ về mức độ có lợi cho sức khỏe của từng sản phẩm.

Theo kết quả thu được, khi các nhà quảng cáo hứa hẹn về những lợi ích sức khỏe, người tiêu dùng sẽ hưởng ứng.

"Mỗi khi một người tham gia nhìn thấy các từ ngữ này trên một nhãn hiệu, họ sẽ cho rằng sản phẩm đó có lợi cho sức khỏe hơn, so với nhãn hiệu đã bị lược bỏ từ ngữ," Northup cho hay.

Nghiên cứu của Northup đã tìm hiểu về phương diện tâm lý của việc sử dụng từ ngữ để điều khiển suy nghĩ của con người, và những ảnh hưởng của phương pháp này tới niềm tin cũng như hành động của đối tượng bị tác động.

Rõ ràng, trong một phần của nghiên cứu, những người tham gia đã cho rằng Spam - sản phẩm thịt được xử lý và đóng hộp - có lợi cho sức khỏe hơn thịt cá hồi.

Northup cho biết đây là một ví dụ về việc quảng cáo có thể khiến người mua hiểu lầm, và đồng thời cũng chỉ ra sự thiếu hiểu biết về các thông tin được ghi trên phần giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm.

Northup hi vọng rằng nghiên cứu này có thể giúp người tiêu dùng sáng suốt hơn trước các thông tin từ các phương tiện truyền thông, và giúp họ hiểu thêm về ngành quảng cáo thực phẩm.

Nghiên cứu mang tên "Thật, giả và quá trình đóng bao bì: Quảng cáo thực phẩm đã tạo ra cảm giác sai lầm về lợi ích sức khỏe như thế nào" đã được đăng trên tờ Food Studies./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục