Giá vàng giao ngay phá tiếp kỷ lục trong hai tuần

Ngày 27/7, tại châu Á, giá vàng giao ngay tiếp tục phá kỷ lục lần thứ 6 trong hai tuần trước sự bế tắc về nâng trần nợ công ở Mỹ.
Ngày 27/7 tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay tiếp tục phá kỷ lục lần thứ 6 trong hai tuần, khi những lo ngại về việc liệu Mỹ có thể tránh được nguy cơ vỡ nợ ngày càng tăng, trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ vẫn bế tắc trong các cuộc đàm phán về nâng mức trần nợ công.

Tại Singapore, giá vàng giao ngay có lúc vọt lên mức cao kỷ lục 1.623,86 USD/ounce, trước khi dịu bớt xuống 1.620,66 USD/ounce vào cuối phiên, đánh dấu phiên tăng thứ 16 trong 19 phiên giao dịch kể từ đầu tháng đến nay; trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2011 cũng tăng 0,3% lên 1.621,20 USD/ounce sau khi lập mức đỉnh 1.624,3 USD/ounce trong phiên 25/7.

Trước đó, ngày 26/7 tại New York, giá vàng thế giới cũng ghi dấu phiên thứ 3 đi lên, với giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.617 USD/ounce, sau khi lập mức cao kỷ lục 1.622,49 USD/ounce trong phiên 25/7; còn giá vàng giao tháng 8/2011 tăng 4,60 USD lên 1.616,80 USD/ounce.

Như vậy, kể từ đầu tháng Bảy đến nay, giá vàng đã tăng gần 8%, do những lo ngại về vấn đề nợ công ở khu vực Eurozone cũng như thế giằng co trong các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công ở Mỹ.

Hiện nay, đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hòa đối lập vẫn chưa thể đạt được nhất trí về các kế hoạch nâng trần nợ công, trong khi hạn chót để làm việc này là ngày 2/8 đang đến rất gần.

[Châu Á trước bài toán nợ công của Mỹ và châu Âu]

Mặc dù các thị trường đều cho rằng rốt cuộc các nhà lập pháp Mỹ cũng sẽ đi đến được một thỏa thuận chung, nhưng theo các nhà phân tích, giá vàng có thể sẽ giảm xuống nếu một thỏa thuận nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách trong dài hạn của Mỹ bị cho là sẽ gây ra giảm phát.

James Steel, trưởng ban phân tích hàng hóa thuộc ngân hàng HSBC, cho biết mức độ và thời gian điều chỉnh của giá vàng phần lớn sẽ tùy thuộc vào chi tiết của thỏa thuận này cũng như liệu nó có đủ sức để hỗ trợ đồng USD và giảm nhu cầu đầu tư vào các kênh an toàn, như vàng.

Phillip Streible, nhà chiến lược thị trường cao cấp thuộc Lind Waldock, chi nhánh của công ty môi giới kỳ hạn MF Global, cho rằng giá vàng sẽ trở lại dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce, với ngưỡng hỗ trợ ở gần 1.580 USD/ounce, và khuynh hướng đi lên sẽ ngày càng bị hạn chế do nguồn cung vàng vụn đang gia tăng.

Tuy nhiên, Michael Lewis, đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa thuộc ngân hàng Deutsche Bank, cho rằng môi tường hiện nay nhìn chung vẫn có lợi cho giá vàng và khả năng giá kim loại quý này sẽ thử mức cao mới trong ngắn hạn, với ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở mức 1,630 USD/ounce.

Bên cạnh đó, những rối loạn trên thị trường tiền tệ cũng giúp vàng tăng sức hấp dẫn. Tại châu Á phiên 27/7, đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 4 tháng so với đồng yên và giảm xuống mức thấp kỷ lục so với rổ tiền tệ.

Trong một tin liên quan, hiện nay, hàng chục nghìn công nhân khai thác vàng ở Nam Phi đang tiến hành đình công quy mô lớn để đòi tăng lương, điều đe dọa làm giảm sản lượng vào thời điểm giá vàng đang ngất ngưởng ở các mức cao kỷ lục. Nam Phi là nước khai thác vàng lớn thứ 4 thế giới trong năm 2010, sau Trung Quốc, Australia và Mỹ./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục