Giá vàng và giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 19/1

Giá vàng và giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 19/1 do đồng USD yếu và nhu cầu bảo toàn tài sản gia tăng cũng như nhu cầu dầu thô ngày càng tăng của Trung Quốc.
Giá vàng và giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 19/1 ảnh 1Vàng được dự trữ tại ngân hàng ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 19/1 do đồng USD yếu và nhu cầu bảo toàn tài sản gia tăng do các chỉ số kinh tế yếu kém của Mỹ và những bình luận "diều hâu" từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.924,09 USD/ounce vào lúc 1 giờ 52 phút sáng (giờ Việt Nam), gần mức cao nhất trong 9 tháng là 1.929 USD đạt được hôm thứ Hai (16/1).

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,9% lên 1.923,9 USD/ounce.

[Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 19/1]

Jeffrey Sica, Giám đốc điều hành của Circle Squared Alternative Investments, cho biết giá vàng dường như hoạt động tốt hơn khi các thị trường đang suy giảm.

Đồng USD yếu là một trong những lý do khiến giá vàng phục hồi và sẽ tiếp tục tăng.

Đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong 8 tháng sau khi một loạt dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mất đà, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ.

Doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 12/2022 giảm nhiều hơn dự kiến. Chi tiêu tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung đều tăng trưởng yếu hơn khi bước vào năm 2023.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/1 cho biết, doanh thu bán lẻ đã giảm 1,1% trong tháng 12/2022, sau khi giảm 1% trong tháng 11/2022.

Tại Việt Nam, khép lại phiên 19/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,90-67,92 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp tục tăng 1% trong phiên giao dịch 19/1 do nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc bất chấp số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng đáng kể.

Trong phiên này giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,18 USD (1,4%) lên 86,16 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 85 xu Mỹ (1,1%) lên 80,33 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất với cả hai loại dầu kể từ ngày 1/12.

Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 11/2022 tăng gần 1 triệu thùng mỗi ngày so với tháng trước đó lên 15,41 triệu thùng/ngày và là mức cao nhất kể từ tháng 2/2022, theo số liệu xuất khẩu mới nhất được Joint Organisations Data Initiative công bố.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định rằng thị trường năng lượng có thể thắt chặt hơn trong năm 2023, đặc biệt nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và ngành dầu mỏ của Nga gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt.

Trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra báo cáo dự trữ dầu thô thương mại của nước này đã tăng 8,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/1, trong khi đó các nhà phân tích do S&P Global Commodity Insights dự đoán rằng nguồn cung của Mỹ sẽ tăng 0,9 triệu thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục