Ôtô nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam hiện đang chịu mức thuế 70%. Theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam sẽ cắt giảm thuế trong vòng 10 năm, mỗi năm trung bình khoảng 7% và tiến tới sau 10 năm sẽ cắt giảm về 0%.
Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội phê chuẩn và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo cam kết, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình (dự kiến từ 1/8/2020). Trong đó có mặt hàng ôtô, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu (đang ở mức 70% xuống 0%) trong 9-10 năm.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An, doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong mảng kinh doanh xe ôtô nhập khẩu, việc giảm thuế nhập khẩu từ thị trường EU này được coi là cơ hội cho nhiều người tiêu dùng Việt Nam lâu nay từng kỳ vọng sẽ được mua ôtô giá rẻ khi thuế suất nhập khẩu ưu đãi sẽ giảm về mức 0%.
Hiện nay, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU vào Việt Nam đang áp dụng 70% đối với xe có dung tích xi lanh trên 3.000cc và 75-78% đối với xe có dung tích xilanh dưới 3.000cc, có nghĩa là xe dung tích xilanh càng lớn, mức thuế càng cao và được tính theo giá trị khai báo hải quan áp dụng theo thuế suất tối huệ quốc (MFN) trong các thành viên WTO.
Đây cũng là mức thuế cao nhất đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam từ trước đến nay.
Đặc biệt, xe ôtô nhập khẩu từ thị trường châu Âu như Đức, Pháp, Italy... phần lớn là dòng xe sang của các thương hiệu Audi, BMW, Mercedes-Benz, Maserati, Volvo, Volkswagen...
[Nhập ôtô có bản đồ vi phạm chủ quyền: Tạm dừng giấy phép kinh doanh]
Các dòng xe này đều có giá trị cao cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo dung tích xi lanh cũng cao cùng với các khoản thuế, phí khác khiến giá xe từ các thị trường này về Việt Nam đắt từ 2 đến 3 lần so với thị trường bản địa.
Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 tới, nhiều người tiêu dùng đặt vấn đề là thuế nhập khẩu giảm liệu giá xe về Việt Nam có giảm theo và khi nào được hưởng lợi từ Hiệp định này?
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ôtô động cơ xăng trên 3.000cc và động cơ diesel trên 2.500cc là sau 9 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và 10 năm đối với các loại ôtô còn lại.
Với việc giảm thuế này, giá xe sẽ phù hợp hơn so với trước kia và so với thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, đối với lộ trình cắt giảm thuế ôtô sẽ xóa bỏ trong vòng từ 9 đến 10 năm (tùy từng dung tích xilanh), lộ trình này sẽ cắt giảm dần hàng năm theo cam kết, từ mức thuế suất cam kết ban đầu cho đến hết năm thứ 9 hoặc năm thứ 10 sẽ về 0% và sẽ được cắt giảm đều từng năm.
Như vậy, hàng năm sẽ có các mức cắt giảm để tạo ra một giá trị lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ví dụ, ôtô nhập khẩu từ châu Âu hiện nay đang chịu mức thuế suất 70% và sẽ cắt giảm thuế trong 10 năm, mỗi năm cắt giảm trung bình khoảng 7% và tiến tới sau 10 năm sẽ về 0%.
Về kế hoạch và lộ trình tổng quan, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng trình Chính phủ kế hoạch tổng thể.
Theo giới chuyên môn, Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội do lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu sắp có hiệu lực, nhưng để trả lời câu hỏi liệu giá xe ô tô đến tay người tiêu dùng có rẻ hơn nhiều không thì chưa thể khẳng định ngay được bởi còn rất nhiều vấn đề liên quan.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã ký Hiệp định Khu vực Mậu dịch thương mại tự do ASEAN (AFTA), từ đầu năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN giảm về 0%, giới chuyên môn dự kiến giá xe sẽ giảm từ 20-25% so với trước đây, nhưng thực tế giá xe đến tay người tiêu dùng đã không giảm như kỳ vọng.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, năm 2018 được xem như cột mốc quan trọng nhất của thị trường ôtô Việt, đó là Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% cũng là lúc Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ôtô có hiệu lực; trong đó có nhiều điều kiện khắt khe khiến doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó nhập khẩu được xe về.
Cũng trong năm 2018, Toyota Việt Nam ra mắt sedan Vios sản xuất lắp ráp trong nước và Yaris nhập khẩu nguyên chiếc nhưng giá xe lại không giảm, đại diện Toyota Việt Nam cho rằng, các mẫu xe mới này hãng đã có nhiều nâng cấp đáng chú ý về công nghệ, tiện nghi, khả năng vận hành cũng như khả năng an toàn trên xe nên đây là mức giá hoàn toàn tương xứng khi so sánh với phiên bản cũ.
Còn theo đánh giá của anh Vĩnh Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực xe sang lâu năm đến từ Công ty AVIS Vietnam, khi thuế giảm thì giá xe nhập khẩu giảm cũng không nhiều vì xe mới sản xuất được trang bị nhiều tính năng và công nghệ cao hơn so với xe đời cũ nên giá sẽ cao hơn.
Cùng với đó, khi thuế nhập khẩu giảm, các nhà nhập khẩu sẽ tăng option của xe lên bởi hiện nay do thuế cao nên xe nhập khẩu thường có trang bị thấp, không bằng xe lắp ráp trong nước. Chính vì vậy, giá xe không giảm như kỳ vọng của người dùng cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu còn phải trang trải nhiều chi phí như chi phí nhập khẩu, thủ tục nhập khẩu, tiền thuê kho bãi tương đối cao... nên khi bán xe ra thị trường doanh nghiệp phải cộng thêm những chi phí này vào giá xe.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, xe ôtô nhập khẩu về Việt Nam sẽ giảm khi phải chịu áp lực cạnh tranh với sản phẩm sản xuất trong nước và giữa các hãng với nhau để thu hút khách hàng, khi đó người tiêu dùng ít nhiều sẽ hưởng lợi, còn việc kỳ vọng giá xe sẽ giảm mạnh theo thuế là khó có thể xảy ra./.