Giải mã hiện tượng "máu sông băng" kỳ lạ trên dãy Apls

Hiện tượng này được gọi là “máu sông băng,” được lý giải trong chuyến thám hiểm gần đây của dự án AplAlga, đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Live Science.
Giải mã hiện tượng "máu sông băng" kỳ lạ trên dãy Apls ảnh 1(Nguồn: livescience.com)

Tại dãy núi Alps của Pháp, nền tuyết trắng đôi khi bị vấy bẩn bởi những đốm có màu sẫm giống như máu.

Hiện tượng này được gọi là “máu sông băng” và nó đã được lý giải đầy đủ trong chuyến thám hiểm gần đây của dự án AlpAlga. Kết quả cuộc thám hiểm đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Live Science.

Dự án ra đời nhằm nghiên cứu các loài vi tảo tồn tại trên núi ở độ cao từ 1.000 đến 3.000 mét so với mực nước biển.

Theo Eric Maréchal, điều phối viên của AlpAlga, giống như loài vi tảo sống ở đại dương, hồ và sông, vi tảo sinh ra từ tuyết giúp hình thành mạng lưới thức ăn của hệ sinh thái trên núi. Loại vi tảo này cũng có khả năng phản ứng với ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

[Khu trượt tuyết ở Pháp đối mặt với nguy cơ thiếu tuyết tự nhiên]

Các tế bào vi tảo có chiều ngang chỉ vài phần nghìn milimet, tồn tại dưới dạng sinh vật đơn bào hoặc khuẩn lạc.

Về mặt kỹ thuật, tảo trong tuyết chuyển sang màu đỏ là bởi chúng thuộc loài Chlorophyta - loài này chứa một dạng chất diệp lục với sắc tố xanh lá cây.

Tuy nhiên, ngoài chất diệp lục, những loại tảo này cũng chứa carotenoid - chất có sắc tố cam và đỏ xuất hiện trong rau củ như cà rốt.

Carotenoid hoạt động như chất chống ôxy hóa, đồng thời có khả năng bảo vệ tảo khỏi tác hại của ánh Mặt Trời và tia cực tím.

Trong thời kỳ tảo nở hoa - thời điểm số lượng tảo phát triển nhanh chóng - tuyết có thể có màu đỏ hoặc cam do sự tích tụ của carotenoid.

“Tôi đưa mắt đến đâu cũng thấy đỏ hoe,” Maréchal nói. “Chúng tôi đi bộ cả ngày và nhìn thấy toàn bộ bề mặt nhuộm màu đỏ. Thực sự rất ấn tượng."

Tuy có thể coi đây là một hiện tượng tự nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình này.

Về mặt lý thuyết, mức độ gia tăng của CO2 trong bầu khí quyển cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của tảo.

Ở một mức độ, điều này tốt cho tảo, nhưng sự thay đổi sẽ gây nguy hiểm cho hệ sinh thái xung quanh.

Các nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature năm 2016 cho thấy tuyết có màu đỏ phản chiếu ánh sáng kém hơn so với tuyết trắng, do đó tan nhanh hơn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa có kết luận cuối cùng rằng liệu biến đổi khí hậu có khiến tuyết đỏ xuất hiện thường xuyên hơn hay gây hại cho các loài sinh vật khác hay không.

Trong một cuộc thám hiểm sắp tới vào cuối tháng Sáu, nhóm nghiên cứu có kế hoạch theo dõi hiện tượng tảo nở hoa trong cả bốn mùa.

Phân tích kỹ tuyết trắng và tuyết đỏ, điều kiện hình thành hiện tượng tảo nở hoa và nuôi cấy mẫu tế bào tảo trong phòng thí nghiệm sẽ giải mã những bí ẩn về “máu sông băng.”

Ngoài ra nó cũng sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách hệ sinh thái Alps có thể thay đổi khi khí hậu ấm lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục