Vén màn bí mật quanh cái chết của "xác ướp gào thét" nổi tiếng ở Ai Cập

Bị mê hoặc bởi những bí ẩn bao quanh “xác ướp gào thét", một nhóm các nhà khoa học quyết định sử dụng phương pháp chụp cắt lớp (CT) để tìm ra những đáp án chưa được làm rõ.

Hình ảnh xác ướp gào thét nổi tiếng ở Ai Cập. (Nguồn: CNN)
Hình ảnh xác ướp gào thét nổi tiếng ở Ai Cập. (Nguồn: CNN)

"Xác ướp gào thét" có ngoại hình dễ gây ám ảnh, với phần miệng mở rộng, khóa chặt vĩnh viễn trong dó dường như là một tiếng thét kéo dài. Không khó hiểu khi xác ướp này nhanh chóng thu hút và khơi mào cho sự tưởng tượng của các nhà khảo cổ học, khi họ phát hiện ra nó vào năm 1935, trong một ngôi mộ gần Luxor, Ai Cập.

Nằm trong số ít những xác ướp há miệng

Bị mê hoặc bởi những bí ẩn bao quanh “xác ướp gào thét" - thực tế là một phụ nữ đã chết cách đây khoảng 3.500 năm trước, một nhóm các nhà khoa học quyết định sử dụng phương pháp chụp cắt lớp (CT) để tìm hiểu tình trạng sức khỏe của người phụ nữ trước khi qua đời và cách thức xác ướp được bảo quản. Ngoài ra, nhờ các thiết bị quét hình ảnh hồng ngoại và các kỹ thuật tiên tiến khác, nhóm đã “mổ xẻ" gần như toàn bộ xác ướp và hiểu được điều gì khiến cho người phụ nữ này có gương mặt gào thét ám ảnh như vậy.

Phát hiện của nhóm vừa được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Medicine vào ngày 2/8 vừa qua, cho thấy người phụ nữ qua đời ở tuổi 48. Độ tuổi được xác định dựa trên phân tích khớp xương chậu của xác ướp, với những dấu hiệu cho thấy sự biến đổi theo tuổi tác. Nhóm cũng phát hiện thấy một số kỹ thuật ướp xác đặc biệt đã được sử dụng. Cụ thể hơn, tác giả nghiên cứu Sahar Saleem, giáo sư bộ môn X quang tại Bệnh viện Kasr Al Ainy thuộc Đại học Cairo, Ai Cập cho biết thi thể của người phụ nữ được ướp bằng nhũ hương và nhựa cây bách xù - những chất rất xa xỉ và đắt tiền vào thời kỳ đó, đã được các thương gia đưa từ nơi khác tới Ai Cập.

“Chúng tôi thấy người phụ nữ này được ướp xác bằng các chất nhập khẩu đắt tiền”, Saleem chia sẻ. "Yếu tố này, cộng với việc ngoại hình xác ướp được bảo quản tốt, là những đặc điểm mâu thuẫn với niềm tin truyền thống, rằng việc không loại bỏ các cơ quan nội tạng cho thấy một kỹ thuật ướp xác kém chất lượng.”

Saleem và nhóm ông đã không tìm thấy vết mổ nào trên cơ thể người phụ nữ. Quan sát này phù hợp với đánh giá được đưa ra khi người ta mới tìm thấy xác ướp, rằng các phần não, cơ hoành, tim, phổi, gan, lá lách, thận và ruột vẫn còn nằm trong thi thể. Nghiên cứu lưu ý rằng việc các cơ quan nội tạng không bị loại bỏ hết là khá bất thường, vì phương pháp ướp xác cổ điển trong thời kỳ đó đòi hỏi việc loại bỏ tất cả các cơ quan như vậy. Nội tạng duy nhất được giữ lại là quả tim.

Nhóm nghiên cứu thấy rằng người phụ nữ này cao 1,54 mét và bị viêm nhẹ ở khớp cột sống, bởi kết quả chụp chiếu cho thấy gai xương xuất hiện trên một số đốt sống. Người phụ nữ này cũng đã bị mất một số chiếc răng trước khi qua đời. Tuy nhiên, nghiên cứu không thể xác định chính xác nguyên nhân tử vong.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng chỉ có một số xác ướp Ai Cập cổ đại được phát hiện với phần miệng đang há ra. Đa số các xác ướp khác thường bị quấn phần xương hàm và hộp sọ, để giữ cho miệng người quá cố ngậm lại. Nguyên nhân khiến người phụ nữ há miệng vẫn chưa được làm rõ, nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết khá khủng khiếp.

Những bí mật được hé lộ từ kỹ thuật ướp xác

Saleem cho biết việc xác ướp được bảo quản tốt, bằng các chất ướp xác hiếm có và đắt tiền, cùng với nghi thức tang lễ khác như được đeo bộ tóc giả làm từ cây chà là, ngón tay có đeo nhẫn... đã loại trừ khả năng xác được ướp một cách cẩu thả - sự cẩu thả có thể khiến những người ướp xác bỏ qua phần miệng đang há ra của người phụ nữ.

Theo nghiên cứu, biểu cảm gào thét trên gương mặt xác ướp có thể được coi như một cơn co thắt tử thi - một dạng cứng cơ hiếm gặp liên quan đến những cái chết bạo lực. Dấu hiệu cho thấy người phụ nữ có thể đã chết trong lúc đang gào thét vì quá đau đớn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng người phụ nữ đã được ướp xác từ 18 đến 36 giờ sau khi chết. Đây là giai đoạn trước khi phản ứng căng cơ kết thúc, hoặc thi thể bắt đầu quá trình phân hủy. Do đó phần miệng của người phụ nữ vẫn giữ nguyên trạng thái đang há ra.

Tuy nhiên, nghiên cứu lưu ý rằng biểu hiện trên gương mặt của xác ướp không đồng nghĩa với việc cho thấy cảm giác của một người khi họ chết. Một số yếu tố như quá trình phân hủy, tốc độ hút ẩm hoặc tốc độ làm khô và lực nén của lớp vải bọc, đều có thể ảnh hưởng đến nét mặt của xác ướp. Các tác giả cũng nêu rõ trong nghiên cứu: “Thủ tục chôn cất hoặc những thay đổi sau khi chết có thể góp phần gây ra hiện tượng xác ướp có vẻ ngoài đang gào thét”.

Saleem chia sẻ với hãng tin CNN qua email: “Nguyên nhân, lịch sử hoặc hoàn cảnh thực sự liên quan tới cái chết của người phụ nữ này vẫn chưa được xác định. Do đó, ta không thể xác định chắc chắn điều gì khiến cô ấy có gương mặt gào thét”.

Xác ướp gào thét được chôn cất bên dưới hầm mộ Senmut, kiến ​​trúc sư đứng sau ngôi đền của Nữ hoàng Ai Cập Hatschepsut (1479–1458 trước Công nguyên). Senmut là người giữ nhiều chức vụ quan trọng trong suốt triều đại của Hatschepsut. Theo nghiên cứu, người phụ nữ này có thể có quan hệ họ hàng với Senmut.

Người ta đã phát hiện xác ướp của cô trong một chuyến khảo sát do Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York, Mỹ, dẫn đầu. Quan tài chứa xác ướp của người phụ nữ đã được đưa về trưng bày tại bảo tàng cho tới nay. Trong khi đó, phần xác ướp được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.

Ngoài xác ướp trên, người ta từng phát hiện nhiều xác ướp bất thường khác. Ví dụ như xác ướp được cho là di cốt của một hoàng tử có tên Pentawere. Người này bị rạch cổ họng vì có vai trò trong vụ ám sát cha đẻ Ramesses III (1185-1153 trước Công nguyên). Saleem cho biết xác Pentawere gần như không được ướp, hoặc chỉ được xử lý sơ sài.

Xác ướp thứ hai là một phụ nữ, dường như là Công chúa Meritamun, người đã qua đời vì một cơn đau tim. Phân tích của Saleem cho thấy xác ướp này há miệng rộng do sự co cơ, hoặc cử động của hàm sau khi chết.

Randall Thompson, bác sĩ tim mạch và giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Thành phố Missouri – Kansas, người đã nghiên cứu các xác ướp cổ đại bằng cách sử dụng máy CT để tìm hiểu về nguồn gốc của bệnh tim mạch, đánh giá nghiên cứu mới là hữu ích và chi tiết. Ông cho biết lời giải thích của các tác giả về cái miệng há to của xác ướp là “có lý”.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục