Giải mã nguyên nhân tỷ lệ sút hỏng penalty cao bất thường

Tại World Cup năm nay, chỉ 58% trên tổng số 31 cú sút đã được chuyển đổi thành bàn thắng. Trong khi đó, có tới 13 cú sút đã bị bỏ lỡ trên chấm phạt đền, chiếm tỷ lệ 42%, cao nhất kể từ năm 1966.
Giải mã nguyên nhân tỷ lệ sút hỏng penalty cao bất thường ảnh 1Tiền đạo Messi (phải) thất bại trong pha sút phạt đền khi thủ thành Szczesny xuất sắc cản phá thành công. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc ghi bàn từ chấm 11m tại World Cup 2022 đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi các cầu thủ đã sút hỏng 13/31 tổng số quả phạt đền, chiếm tỷ lệ 42%.

Tại giải đấu năm nay, người hâm mộ đã chứng kiến tất cả các kiểu đá phạt đền.

Từ những pha chạy lắp bắp của Robert Lewandowski cho đến những cú sút yếu ớt khi bị áp lực tâm lý đè nặng. Điều này thể hiện rõ nhất ở các cầu thủ Tây Ban Nha và Nhật Bản trong các trận đấu vừa qua.

[Argentina sẵn sàng cho kịch bản "đấu súng" luân lưu với Hà Lan]

Chỉ 58% trên tổng số 31 cú sút đã được chuyển đổi thành bàn thắng. Trong khi đó, có tới 13 cú sút đã bị bỏ lỡ trên chấm phạt đền, chiếm tỷ lệ 42%, cao nhất kể từ năm 1966.

Huấn luyện viên Luis Enrique của tuyển Tây Ban Nha đã yêu cầu các học trò thực hiện 1.000 quả đá phạt đền.

Ông tuyên bố đầy tự tin: "Tôi không nghĩ đá luân lưu là một trò xổ số. Đó là những kỹ năng cụ thể và nếu bạn luyện tập thường xuyên, kỹ năng đó sẽ được cải thiện."

Tuy nhiên, không có một bài tập nào có thể tương xứng với trải nghiệm thực tế trên sân vận động, nơi bạn phải đối mặt với những tiếng huýt sáo, la ó từ khán đài và áp lực từ việc phải đạt được kết quả tốt.

Khi Nhật Bản thua trong loạt luân lưu, các chuyên gia đã nhanh chóng chỉ ra sự thiếu kinh nghiệm của họ.

Nhưng ngay cả những chân sút lão luyện như Robert Lewandowski hay Lionel Messi cũng đều đã bỏ lỡ cơ hội ở World Cup năm nay. Áp lực càng tăng khi loạt đá luân lưu diễn ra càng lâu.

Theo thống kê từ tỷ lệ chuyển hóa trung bình tại các kỳ World Cup, quả đá phạt đền đầu tiên của các đội có tỷ lệ thành công 75%, nhưng sẽ giảm xuống chỉ còn 64% cho quả đá thứ tư của họ.

Trong khi các cầu thủ tập sút phạt đền thì các thủ môn cũng làm "bài tập về nhà của họ."

Tỷ lệ cản phá các quả phạt đền ở World Cup từ năm 1966 đến 2018 là 17%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi, lên 35% ở Qatar.

Một huấn luyện viên thủ môn chia sẻ: "Các thủ môn của tôi phải làm việc hàng giờ mỗi tuần để đứng vững trên chấm 11m. Những quả phạt đền hiện đại đều là chờ thủ môn đổ người và sút sang hướng ngược lại. Nếu chúng ta có thể huấn luyện các thủ môn đứng vững và bắt các cầu thủ thực hiện cú sút trước, thì nhiều khả năng sẽ cản phá thành công."

Một điểm chung trong 13 quả phạt đền bị bỏ lỡ ở Qatar, đó là những cú sút chìm và thiếu lực. Chuyên gia Chris Sutton của Sportsmail đã đưa ra lời khuyên: "Nếu vẫn còn nghi ngờ bản thân, cứ ra chân mạnh lên!"

Tuy nhiên, có một điểm đối lập với lập luận của Sutton là nếu tự tin thì sút nhẹ cũng có thể ghi bàn. Đó là điều mà Achraf Hakimi (Maroc) đã thể hiện trong trận gặp Tây Ban Nha khi cú sút của anh chỉ đạt tốc độ 58km/h, chậm nhất giải đấu.

Giáo sư khoa học thể thao nổi tiếng Geir Jordet bật mí về cách thực hiện quả phạt đền hoàn hảo, đó là hãy thực hiện 1 cách từ từ.

Ông nói: "Khoảnh khắc quyết định xảy ra từ 10-15 giây trước khi bước lên. Đừng để thủ môn làm bạn phân tâm, hãy tập trung vào hơi thở và dành thời gian của bạn. Đó không phải là một cuộc đua. Tiếng còi của trọng tài không phải là tiếng súng hiệu lệnh bắt đầu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục