Những kết quả bước đầu của các dự án tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo ở Hà Nội là không thể phủ nhận. Tuy vậy, do là lĩnh vực mới nên hoạt động này không tránh khỏi những khó khăn, bất cập.
Thực tế này đòi hỏi thành phố Hà Nội có góc nhìn rộng mở và những chất xúc tác mới nhằm thúc đẩy hoạt động tái thiết đô thị từ sáng tạo phát triển, góp phần tạo ra diện mạo văn minh, hiện đại, giàu bản sắc cho Thủ đô.
Điểm nghẽn chờ tháo gỡ
Thực tế, tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo là vấn đề mới, phức tạp liên quan đến nhiều ngành, không chỉ xây dựng, quy hoạch mà cả kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội...
Theo các chuyên gia, giới sáng tạo, thậm chí cả cơ quan chức năng, khó khăn lớn nhất cản trở quá trình tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo ở Hà Nội chính là nguồn lực tài chính. Khi hoạt động này đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải tạo không gian công cộng và bảo tồn di sản văn hóa, nguồn kinh phí luôn là bài toán được đặt ra.
Ngân sách của thành phố và sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ trong nước, quốc tế còn hạn chế sẽ gây khó khăn cho việc triển khai các dự án quy mô lớn. Đối với các không gian văn hóa sáng tạo và không gian công cộng được hình thành từ hoạt động tái thiết đô thị, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, nâng cấp các trang thiết bị sau thời gian bị xuống cấp cũng là vấn đề được đề cập đến.
Bài học về việc duy tu, bảo dưỡng các tác phẩm nghệ thuật ở con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, phố Bích họa Phùng Hưng, con đường gốm sứ ven sông Hồng... bị xuống cấp thời gian qua là những ví dụ điển hình; nhất là nhiều tác phẩm nghệ thuật được sử dụng bằng vật liệu tái chế, tuổi đời ngắn, lại được lắp đặt ngoài trời.
Để thực hiện các dự án tái thiết đô thị sáng tạo, cần có đội ngũ nhân lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản và nghệ thuật.
Hiện tại, nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực này ở Hà Nội còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới. Là một họa sỹ tham gia nhiều dự án tái thiết các hạ tầng cũ thành không gian nghệ thuật (từng tham gia thực hiện dự án phố Bích họa Phùng Hưng, con đường nghệ thuật Phúc Tân, cầu đi bộ Trần Nhật Duật), họa sỹ Lê Đăng Ninh cho rằng dùng nghệ thuật để biến đổi không gian tại Hà Nội mới bắt đầu vài năm nay.
Thực tế, nhiều nhóm hoạt động vẽ trên bốt tường, cột điện nhưng không mang lại hiệu quả, chưa đáp ứng được yếu tố về nghệ thuật, thẩm mỹ. Bởi vậy, thành phố cần chú trọng, cởi mở hơn, có cơ chế, hoạt động dành cho nghệ sĩ làm dự án như tái thiết không gian nghệ thuật.
Hiện Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước có sự chưa đồng bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị; nhất là khi tái thiết đô thị sẽ chạm đến nhiều vấn đề trong quy hoạch, trong đó có liên quan đến hoán đổi chức năng và giải phóng mặt bằng. Vì vậy, các dự án tái thiết đô thị đôi khi gặp phải rào cản về thủ tục hành chính phức tạp và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
Thời gian qua, các dự án tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo mới thực hiện ở quy mô nhỏ. Một vấn đề khác cũng được nhiều người nhắc tới là cơ chế chính sách để chuyển đổi công năng trong quá trình tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo. Có thể thấy, thành phố chưa có cơ chế chính sách cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô Hà Nội khi tái thiết thành không gian sáng tạo hoặc bảo tồn thành di sản công nghiệp.
Đồng bộ các giải pháp
Với việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO, Hà Nội đang từng bước lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO và cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Gần 5 năm qua, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa các sáng kiến đã cam kết với UNESCO ở cả cấp độ địa phương và quốc tế. Song, thành phố đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong tiến trình phát triển Thành phố sáng tạo; trong đó có trụ cột về tái thiết đô thị. Bởi vậy, thành phố đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.
Là quận trung tâm Thủ đô, đang hướng đến xây dựng quận sáng tạo, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã quan tâm đến hoạt động thiết kế sáng tạo, triển khai nhiều công trình, dự án tái thiết đô thị.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ quận đang có kế hoạch từng bước cải tạo không gian công cộng theo hướng thiết kế sáng tạo. Cụ thể như vườn hoa Cửa Nam, Phùng Hưng, lối lên phía sau ga Long Biên, ngõ khu vực Hàng Khoai, Hàng Buồm và các con ngõ, đoạn phố khác.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhìn nhận để thúc đẩy hoạt động tái thiết đô thị từ sáng tạo phát triển, trước tiên, Hà Nội cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của việc tái thiết đô thị dựa vào sáng tạo, xây dựng các dự án, hành động phù hợp.
Luật Thủ đô sửa đổi lần này sẽ giúp khuyến khích hợp tác giữa chính quyền thành phố và khu vực tư nhân để huy động nguồn lực tài chính và nhân lực cho các dự án tái thiết đô thị. Việc hợp tác này có thể thông qua các hình thức đối tác công tư (PPP), thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng Hà Nội cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đến tái thiết đô thị và sáng tạo. Thành phố hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa và cải thiện các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch và triển khai dự án; tạo môi trường pháp lý thuận lợi và minh bạch để thu hút đầu tư và hỗ trợ các sáng kiến tái thiết đô thị.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới.
Sau gần 5 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội, dù trải qua những khó khăn do COVID-19 và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa, nhưng Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới. Hà Nội đang coi trọng và tích cực lấy văn hóa và sáng tạo thúc đẩy sự phát triển đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Với sự chú trọng tái thiết đô thị theo hướng sáng tạo, Hà Nội đang từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh và đáng sống, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Bài 1: Không gian đô thị với sắc màu sáng tạo
Bài 2: Đánh thức những địa danh bị lãng quên
Bài 3: Lấy cộng đồng làm trung tâm tái thiết đô thị
Bài 4: Dư địa tiềm năng cho tái thiết đô thị
Tái thiết đô thị Hà Nội từ hoạt động sáng tạo
Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước thực hiện các dự án tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo, từ đó tạo ra sức sống mạnh mẽ, hiệu ứng lan tỏa với tính thuyết phục cao.