Giải pháp nào giúp tăng lao động Việt Nam sang Malaysia?

Trong những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, số lượng lao động Việt Nam tại Malaysia liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn hơn 29.000 người.
Giải pháp nào giúp tăng lao động Việt Nam sang Malaysia? ảnh 1Hội thảo tìm kiếm giải pháp đưa lao động Việt Nam sang Malaysia. (Ảnh: Hoàng Nhương/Vietnam+)

Trong những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, số lượng lao động Việt Nam tại Malaysia liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn hơn 29.000 người.

Làm thế nào để duy trì và tham vọng hơn nữa là tăng con số này lên thực sự là một bài toán khó.

Theo số liệu thống kê của phía Malaysia, tính đến thời điểm tháng 11/2017, tại Malaysia có 1,7 triệu lao động nước ngoài đang làm việc hợp pháp, trong đó có hơn 29 ngàn lao động Việt Nam, chiếm khoảng 2%.

Đây thực sự là một sự sụt giảm quá lớn khi mà cách đây chưa đầy 2 năm, số lao động Việt Nam tại thị trường này vẫn ở mức trên dưới 60.000 người. Nguyên nhân của sự sụt giảm này đã được nói đến không ít lần.

Tại hội thảo mới được tổ chức gần đây tại bang Penang - nơi có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc, ông Thái Phúc Thành, Trưởng ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia đã nhắc lại rằng, nguyên nhân quan trọng nhất đó là do thu nhập thực tế của người lao động bị sụt giảm.

Trong khi đó, người lao động Việt Nam lại đang có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông. Thậm chí, với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, họ có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn ngay ở trong nước.

Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để duy trì số lao động Việt Nam hiện tại và xa hơn là tăng trở lại lao động Việt Nam tại thị trường Malaysia là một thách thức không nhỏ.

[Người Việt sang Nga phải lao động "khổ sai" - Đâu là sự thật?]

Ông Phạm Viết Hương, phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), người cũng có mặt tại hội thảo nói trên cho rằng, dù thế nào thì Malaysia vẫn được xác định là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam.

Nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của Malaysia rất cao, vẫn là cơ hội tốt cho lao động Việt Nam. Vấn đề là cần phải có các biện pháp xúc tiến hợp lý và khai thác hiệu quả để tăng số lượng lao động Việt Nam sang đây.

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, gồm đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam, công ty môi giới Malaysia và doanh nghiệp Malaysia sử dụng lao động Việt Nam, quan trọng nhất là phải tìm cách tăng thu nhập thực tế cho người lao động.

Để đạt được điều này cần phải cải thiện tiền lương thực tế; đảm bảo tiền làm thêm giờ tối thiểu theo hợp đồng lao động; ​thực hiện theo cam kết của Chính phủ Malaysia về chủ sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm Levy từ đầu năm 2018 (điều này đã được phía Malaysia tái khẳng định gần đây); ​tăng cường phúc lợi khác ngoài lương như ăn trưa, thưởng... cho người lao động.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần xứ lý nghiêm các vi phạm quy định về phí tuyển dụng, môi giới, xem xét giảm các khoản phí liên quan thủ tục xuất nhập cảnh.

Các ban ngành, đơn vị liên quan cần hướng đến các hợp đồng lao động đòi hỏi kỹ năng và có thu nhập cao; nâng cao chất lượng đào tạo nghề định hướng: khuyến khích và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia trong việc tuyển dụng lao động người Việt...

Liên quan đến lao động Việt Nam, trong các cuộc gặp với các quan chức Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã nhiều lần khẳng định rằng, Malaysia luôn ủng hộ đưa lao động Việt Nam sang đây làm việc. Malaysia cũng ưu tiên cho lao động có tay nghề và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo nghề.

Trong khi đó, lao động Việt Nam luôn được giới chủ tại Malaysia đánh giá cao vì sự chăm chỉ và nhanh nhạy trong công việc. Họ cũng rất chịu khó, sẵn sàng làm thêm giờ để cải thiện thu nhập.

Những điều trên cho thấy, việc đưa lao động Việt Nam sang Malaysia có những cơ sở nền tảng rất tốt. Trở ngại lớn nhất là vấn đề thu nhập.

Hy vọng rằng,\ cùng với sự “ấm” lên của kinh tế Malaysia, thu nhập thực tế cho người lao động sẽ được nâng lên và lao động Việt Nam sẽ quay trở lại đây trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục