Giải pháp phát triển sản phẩm trái cây đáp ứng thị trường xuất khẩu

Trong gần 1 triệu ha cây ăn trái của cả nước thì toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện chiếm 600.000ha cây ăn trái và trong 14 loại cây ăn trái chủ lực của cả nước thì khu vực này chiếm đến 9 loại.
Giải pháp phát triển sản phẩm trái cây đáp ứng thị trường xuất khẩu ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 26/7, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu."

Tham dự diễn đàn có đại diện nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân của 5 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp.

Diễn đàn đề cập các vấn đề như hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam; tình hình chế biến và tiêu thụ rau quả; kết quả công tác mở cửa thị trường cây ăn quả và giải pháp quản lý vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; xuất khẩu trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long - thực trạng và giải pháp…

Các ý kiến tại diễn đàn chỉ ra nhiều tiềm năng lợi thế cũng như hạn chế của cây trái tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là hiện nay, trong gần 1 triệu ha cây ăn trái của cả nước thì toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện chiếm khoảng 600.000ha cây ăn trái và trong 14 loại cây ăn trái chủ lực của cả nước thì Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 9 loại.

Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc sản xuất đa phần đang ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng chưa đồng đều; chưa có nhiều sản phẩm thương hiệu, chứng nhận nguồn gốc, quy trình đạt chuẩn quy định.

[Tiền Giang mở rộng liên kết sản xuất trái cây đặc sản xuất khẩu]

Tiến sỹ Nguyễn Như Hiến, Phó Chánh văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng trồng trái cây của cả nước.

Giải pháp phát triển sản phẩm trái cây đáp ứng thị trường xuất khẩu ảnh 2Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Căn cứ vào định hướng chung, mỗi tỉnh thành trong khu vực cần chọn một số loại cây ăn quả chủ lực, hình thành vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển theo chuỗi, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng và nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm gần 60% diện tích của miền Nam. Khu vực này cần tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có lợi thế, có hiệu quả và giá trị xuất khẩu cao như chuối, xoài, sầu riêng, nhãn nhằm đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Đồng thời, các tỉnh cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; đảm bảo cân đối diện tích rải vụ thu hoạch; tăng tỷ lệ diện tích, sản phẩm đạt chứng nhận, truy xuất được nguồn gốc.

Nhất là tuyên truyền vận động nông dân liên kết hình thành hợp tác xã, tổ sản xuất, tổ liên kết sản xuất. Ngoài ra, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

Trước mắt, tăng cường liên kết thực hiện kế hoạch lịch thời vụ sản xuất 5 loại cây ăn quả chủ lực là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: "Khâu cốt yếu nhất hiện nay là làm sao chúng ta phải đưa nông dân vào các hợp tác xã để liên kết sản xuất thành những vùng đáp ứng cung ứng sản phẩm xuất khẩu. Vì nhà xuất khẩu không thể đi ký từng hợp đồng, thu mua sản phẩm với từng cá nhân đơn lẻ được."

“Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần sớm đầu tư ngay một trung tâm với hệ thống Logistics hiện đại khép kín từ sân bay, cảng đến đóng gói, chế biến xuất khẩu hiện đại, hệ thống kho lạnh tối tân, nhà máy chiếu xạ, nhà máy xông hơi nước nóng xử lý trái cây,” ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, đến nay, những mặt hàng quả tươi chủ lực như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính và có giá trị cao như Mỹ, EU, Cananda, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc cho phép nhập khẩu.

Từ đó, đã góp phần tạo ra tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu rau quả hơn 40% hàng năm với giá trị kim ngạch từ khoảng 1 tỷ USD năm 2013 lên 3,8 tỷ USD năm 2018.

Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật các nước nhập khẩu ngày càng tăng, kể cả thị trường Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính đã làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ mất thị trường nếu không tuân thủ yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Trong lượng trái cây xuất khẩu năm 2018 đã có hơn 11.000 tấn quả tươi phải áp dụng giải pháp xử lý hơi nóng và xử lý chiếu xạ trước khi xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia, cho rằng thời gian tới phải quy hoạch lại sản xuất hướng đến đi vào sản xuất lớn, có chứng nhận nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu kho học chặt chẽ, hiệu quả và bền vững.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, từ hơn 150 triệu USD năm 2003 lên hơn 1 tỷ USD năm 2013, đến năm 2016 đạt gần 2,5 tỷ USD, bình quân tăng 1,25 lần/năm.

Đến năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng gần 50% so năm 2017, trong đó ước tính sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị.

Và 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, tăng gần 3% so cùng kỳ 2018. Rau quả của Việt Nam đã xuất sang 55 thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Australia….

Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực, sau Thái Lan và Philipines; Việt Nam có thể vươn lên là nhà xuất khẩu hàng đầu khu vực hay không đang cần rất nhiều nỗ lực từ chính quyền cho đến toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục