Giải pháp tối ưu nào cho việc tái thiết đất nước Afghanistan?

Trang mạng The National Interest ngày 25/2 đăng bài viết với tiêu đề "Afghanistan mới sẽ được xây dựng dựa trên giải pháp ngừng bắn và thỏa thuận lợi ích với Taliban."
Giải pháp tối ưu nào cho việc tái thiết đất nước Afghanistan? ảnh 1Các tay súng Taliban tại lễ giao nộp vũ khí đầu hàng Chính phủ ở Jalalabad, Afghanistan ngày 22/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trang mạng The National Interest ngày 25/2 đăng bài viết với tiêu đề "Afghanistan mới sẽ được xây dựng dựa trên giải pháp ngừng bắn và thỏa thuận lợi ích với Taliban", nội dung như sau:

Với uy tín của mình, đặc phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan là Zalmay Khalilzad đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán hòa bình gần đây với Taliban.

Theo đó, chính quyền Mỹ sẵn sàng từng bước thu hẹp sự hiện diện quân sự tại quốc gia Tây Á này, tiến tới rút toàn bộ lực lượng Mỹ vào thời điểm thích hợp.

Tuy nhiên, Khalilzad cũng nhấn mạnh rằng không có bất kỳ thỏa thuận nào cho đến khi mọi thứ được thống nhất, và ngay bây giờ dường như Mỹ vẫn ở gần vạch xuất phát hơn vạch về đích trong các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia này.

Cuộc xung đột ở Afghanistan đã kéo dài tới gần 18 năm và được xem là cuộc chiến dài nhất của Mỹ, còn đối với người Afghanistan, cuộc xung đột này được cho là bắt nguồn từ sự can dự của Liên Xô 40 năm về trước.

Tuy nhiên, cho dù người Afghanistan, người Mỹ, các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lực lượng nước ngoài khác tỏ ra mệt mỏi với cuộc chiến thì việc đạt được thỏa hiệp sẽ vẫn rất khó khăn.

Chính phủ Afghanistan thậm chí còn chưa được tham gia đàm phán hòa bình do Taliban từ chối, thậm chí không công nhận Tổng thống Ashraf Ghani - người mà họ coi là một "con rối" do Mỹ sắp đặt - hoặc thậm chí đối với cả hiến pháp Afghanistan cũng bị coi là do Mỹ áp đặt.

[An ninh Afghanistan tiêu diệt một thủ lĩnh chủ chốt của Taliban]

Cho đến khi các cuộc đàm phán giữa Taliban và Tổng thống Ghani diễn ra, thật khó để nói về triển vọng hòa bình.

Trong trường hợp các cuộc đàm phán như vậy được khởi động, một yếu tố quan trọng sẽ được nhắc đến là an ninh và tương lai của lực lượng an ninh quốc gia.

Quả thực, điều này có thể là vấn đề gây khó khăn nhất và là trọng tâm của tất cả các bên khi tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài.

Có một thực tế rõ ràng là chính phủ Ghani và Taliban không hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau, ngay cả khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết.

Do đó, bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải vượt ra ngoài quan điểm nổi tiếng "tin tưởng nhưng phải thẩm tra" của cố Tổng thống Ronald Reagan, và được dựa trên lập luận của "sự tin tưởng nhưng phải thẩm tra và dõi theo."

Một thỏa thuận hòa bình sẽ phải đề cập đến một số yếu tố bảo vệ các nhà lãnh đạo chủ chốt và đảng phái của cả hai bên tham chiến.

Điều đó từng bước đỏi hỏi một cách thực tế để duy trì năng lực quân sự của cả hai bên trong một thời điểm, hơn là việc ngây thơ tin rằng bằng cách nào đó họ có thể hợp tác cùng nhau một cách thông suốt và an toàn.

Taliban vẫn luôn xem Tổng thống Ghani và mọi thứ thuộc về chính phủ của ông là bất hợp pháp, do đó lực lượng này có thể sẽ yêu cầu giải thể quân đội, cảnh sát và các hoạt động tình báo Afghanistan.

Ở mức tối thiểu, Taliban có thể sẽ yêu cầu việc tham gia kiểm soát các lực lượng an ninh trong bất kỳ sự sắp đặt chia sẻ quyền lực nào, thông qua các vị trí bộ trưởng bộ nội vụ và bộ trưởng quốc phòng.

Tuy nhiên, điều này sẽ cho phép Taliban thoái thác cũng như phá hủy một cách có hệ thống khả năng của các lực lượng quân đội và cảnh sát hiện có từ bên trong - hành động giống như một kiểu đảo chính thầm lặng.

Một mối nguy hiểm như vậy phải được lường trước và chính quyền Kabul hoặc Washington không nên chấp nhận. 

Tương tự , quan điểm của chính phủ Afghanistan là không thực tế mặc dù đã có những nỗ lực lớn trong hơn một thập kỷ để ngăn chặn Taliban, giả dụ như các vụ đánh bom liều chết và xu hướng sát thương lớn trong trường hợp họ thâm nhập được.

Có khả năng Kabul sẽ chấp nhận các tay súng Taliban gia nhập quân đội và cảnh sát trong tương lai, nhưng tùy từng trường hợp và phải được xem xét rất thận trọng.

Người Mỹ có thể đồng ý với quan điểm như vậy, nhưng nó sẽ không phải là cơ sở để thỏa hiệp chấm dứt một cuộc chiến mà Taliban không bị đánh bại và tự cho mình là bên một tham gia đàm phán.

Ở một thái cực khác, nếu cả chính phủ Afghanistan và Taliban cùng duy trì các lực lượng vũ trang riêng biệt, đây sẽ là công thức cho một cuộc nội chiến mới như ở Nam Sudan.

Xây dựng niềm tin và sự gắn kết hướng đến hội nhập hoàn toàn là điều cần thiết cho một nền hòa bình lâu dài.

Sau đó phải làm gì? Khái niệm hứa hẹn nhất là đi theo hướng ngừng bắn dưới một hình thức nào đó, như từng diễn ra vào mùa hè năm 2018 trong một vài ngày, sau đó là một thỏa thuận khoan hồng cho các lực lượng mỗi bên, đặc biệt tại các vị trí mà họ đang kiểm soát.

Tất cả các bên có thể bắt đầu báo cáo với các bộ chỉ huy khu vực có đại diện từ Taliban cũng như Lực lượng An ninh Quốc phòng Afghanistan hiện có, thậm chí là cả với bên thứ ba.

Theo thời gian, các đơn vị có thể bắt đầu xem xét thực hiện các cuộc tuần tra chung, nhưng điều này có thể tiến hành với mức độ tăng dần và cần một sự kiên nhẫn.

Ngày nay, quân đội Afghanistan được tổ chức thành 7 bộ chỉ huy khu vực, điều khiển một số lữ đoàn, trong đó bao gồm một vài "kị sỹ" hoặc các tiểu đoàn bao gồm khoảng 1.000 binh lính.

Các kị sỹ là đơn vị hoạt động chính thực hiện một số hoạt động tấn công và kiểm soát lãnh thổ. Các "đơn vị" Taliban (như họ có thể tham gia) có thể bao gồm hàng trăm máy bay chiến đấu ở bất kỳ địa phương nào.

Giả dụ là quy mô của họ tương đương thì điều này sau đó vẫn tạo nên thế cân bằng hợp lý tại phần lớn ở quốc gia này.

Các lỗ hổng an ninh sẽ vẫn tồn tại trong bất kỳ sự sắp xếp nào như vậy: với lực lượng an ninh Afghanistan là các cuộc tấn công liều chết của Taliban hoặc các vụ đánh bom xe thông thường; đối với Taliban là các cuộc không kích của Mỹ và hoạt động quân sự của Afghanistan.

Để công bằng, việc thực hiện giám sát của bên thứ ba là rất cần thiết để đánh giá và trừng phạt bất kỳ sự vi phạm nào.

Đối với an ninh trong các thành phố, nơi cảnh sát Afghanistan đồn trú là tối quan trọng, vấn đề này có thể sẽ cần một cách tiếp cận khác.

Ý tưởng chính trong ngắn hạn có thể là cho phép lãnh đạo chính trị Taliban một mức độ quyền lực đối với các lực lượng bảo vệ cá nhân như là nhóm binh lính bảo vệ cá nhân thông thường lớn hơn.

Cũng cần phải sắp xếp các hoạt động chỉ huy và kiểm soát chung để tránh những bất ngờ, phong trào phối hợp và xoa dịu mọi căng thẳng phát sinh.

Vì vậy, điều quan trọng là phải giới hạn phạm vi và khả năng tập trung không quá vài chục nhân viên trong bất kỳ khu phố hoặc địa điểm nào. Các lực lượng này sẽ không thay thế cảnh sát ở bất kỳ địa điểm nào, nhưng thực tế lại cho thấy sự hiện diện chồng chéo.

Tất nhiên, chi tiết của bất kỳ hiệp định hòa bình nào cũng có thể và phải hướng tới người dân Afghanistan.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bắt đầu suy nghĩ về việc "thỏa thuận" để có thể đáp ứng nhu cầu cốt lõi và giảm thiểu những lo lắng cho mỗi bên.

Điều quan trọng đối với Mỹ là việc hỗ trợ chính phủ Afghanistan, cũng như không gây áp lực buộc Tổng thống Ghani phải nhượng bộ bởi điều này có thể gây nguy hiểm cho chính an ninh của quốc gia này.

Đồng thời, ông Ghani và chính phủ của mình có thể cần một số "cố vấn" về các thỏa thuận an ninh chung bởi nếu không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhưng mang tính tiên quyết của hai bên, cơ hội cho hòa bình ở Afghanistan vẫn còn ở rất xa vời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục