Dự báo về an ninh Afghanistan sau khi Mỹ và NATO rút quân

Nếu Mỹ và NATO rút quân mà không đưa ra được những bảo đảm mạnh mẽ trong việc lập lại trật tự ở Afghanistan thì không chỉ nước này mà có khi cả khu vực sẽ bị cuốn vào tình trạng bất ổn và hỗn loạn.
Dự báo về an ninh Afghanistan sau khi Mỹ và NATO rút quân ảnh 1Toàn cảnh cuộc hòa đàm giữa Taliban và các chính trị gia cấp cao Afghanistan tại Moskva, Nga ngày 5/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mới đây, trang mạng ru.valdaiclub.com đăng bài phân tích có tựa đề “Ai sẽ mở trang mới trong lịch sử Afghanistan?” của Muhammad Atar Javed, Tổng Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quốc tế của Pakistan. Nội dung bài viết như sau:

Việc các lực lượng của Mỹ nói riêng và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói chung rút khỏi Afghanistan sẽ tác động tới tình hình ở quốc gia Tây Nam Á này. Nếu Mỹ và NATO rút quân mà không đưa ra được những bảo đảm mạnh mẽ trong việc lập lại trật tự ở Afghanistan thì không chỉ nước này mà có khi cả khu vực sẽ bị cuốn vào tình trạng bất ổn và hỗn loạn, có thể làm gia tăng làn sóng người tị nạn chạy sang Pakistan và một số quốc gia khác, dẫn đến xuất hiện nhiều vấn đề mới trong lĩnh vực an ninh.

Có nhiều ý kiến cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan đã phá hủy các cấu trúc bộ lạc cơ bản của đất nước này và khiến cho việc sử dụng các biện pháp truyền thống nhằm giải quyết các cuộc xung đột trở nên không khả thi.

Ngoài ra, sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan đã chia cắt miền Bắc (gồm các tộc người Uzbeks, Tajiks và Hazara) và miền Nam (Pashtuns). Khi đánh giá những hậu quả của việc Mỹ hiện diện tại Afghanistan cần phải tính đến các vấn đề chính trị và xã hội. Sự phân cực xã hội gia tăng đã làm trầm trọng thêm sự biệt lập về những đặc điểm sắc tộc và ngôn ngữ.

Quản lý không hiệu quả và tham nhũng dẫn đến nguồn thu ngân sách đi vào túi các quan tham, trong khi các tổ chức chính quyền không có tiền. Có các chỉ huy dã chiến nỗ lực làm giàu bằng tiền nhận bất hợp pháp. Chúng tiến hành các hoạt động phi pháp, bao gồm cả buôn bán ma túy. Kết quả là việc sản xuất heroin và trồng cây thuốc phiện đạt quy mô chưa từng có. Tất cả trở nên phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài và đất nước rơi vào tình cảnh phụ thuộc. Phân tích những hậu quả từ sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan có thể kết luận rằng hệ thống mà Mỹ áp đặt đã bị mục nát.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, sự hiện diện của Mỹ không phải chỉ mang lại những hậu quả tiêu cực. Nó cũng có những mặt tích cực nhất định, chẳng hạn nhiều trường học được mở ra, hàng triệu trẻ em được đi học, giáo dục đại học được chú trọng, nhiều trường đại học đã xuất hiện tại tất cả các tỉnh, các trường phổ thông và đại học tư thục được khôi phục, học tập tại các trường đại học công lập được miễn phí.

[Taliban khẳng định sẵn sàng đàm phán với Chính phủ Afghanistan]

Trong lĩnh vực y tế, với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ khu vực và quốc tế, Afghanistan đã xây mới được nhiều bệnh viện. Số lượng bệnh viện công và tư có thể tăng lên trong trường hợp giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình. Trong số những thay đổi tích cực cần phải nhấn mạnh đến sự cải thiện tình trạng phụ nữ, cơ sở hạ tầng phát triển, đầu tư vào lĩnh vực viễn thông gia tăng, trong khi lĩnh vực nông nghiệp chưa được chú trọng đúng mức.

Dự báo về an ninh Afghanistan sau khi Mỹ và NATO rút quân ảnh 2Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (thứ 2, trái) trong cuộc gặp Cố vấn An ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib (phải) tại Kabul ngày 11/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán để ký thỏa thuận hòa bình lâu dài, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Mỹ và Taliban có giữ lời hứa? Trong tình hình hiện tại, có thể cho rằng người Aghanistan lẫn lực lượng Taliban sẽ không vi phạm hiệp ước khi tính đến những đau khổ mà người Afghanistan phải hứng chịu trong suốt 18 năm qua và những thiệt hại do Taliban gây ra trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, Taliban xác nhận phong trào này không có yêu sách về việc thiết lập kiểm soát trên đất nước mình, cũng không có bất cứ kế hoạch nào về triển khai hoạt động bên ngoài biên giới Afghanistan. Điều quan trọng là làm sao để Taliban cam kết không sử dụng Afghanistan làm bàn đạp tấn công nước khác, dù là ở quy mô khu vực hay quốc tế.

Mỹ yêu cầu cùng lúc bắt đầu rút quân đội thì áp đặt cơ chế ngừng bắn. Do sức mạnh của Taliban nằm ở sự sẵn sàng chiến đấu của phong trào này, nếu Taliban chấp nhận yêu cầu này thì cũng rất miễn cưỡng. Việc chấm dứt ngừng bắn đối với Taliban sẽ phức tạp hơn rất nhiều để bảo đảm sự ủng hộ từ phía các thành viên bình thường của phong trào này.

Các tay súng của Taliban sẽ nỗ lực chiến đấu cho tới khi họ nhận được kế hoạch rút quân rõ ràng. Việc thiết lập thời hạn cụ thể và rút quân của Mỹ phù hợp với các cam kết có thể thúc đẩy giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Có thể thuyết phục Taliban tham giai thoại giữa các phe phái ở Afghanistan, nếu tiến trình rút quân được bắt đầu trước tháng 5/2019, điều này sẽ thôi thúc chính quyền Kabul bắt đầu phối hợp hành động mang tính xây dựng với Taliban nhằm soạn thảo cách tiếp cận chung trong việc quản lý nhà nước.

Trong vấn đề này, nhà đàm phán chính của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar có thể đóng vai trò tích cực. Taliban cho rằng họ đã xoay chuyển được tình thế theo hướng có lợi cho mình và chiến thắng đang đến gần.

Rõ ràng, cần phải thành lập chính phủ chuyển tiếp. Liệu Taliban có ủng hộ sáng kiến này hay không, và liệu Taliban có đồng ý tham gia một kịch bản như thế của những lực lượng thân Mỹ? Các mệnh lệnh của Taliban lưu hành ở vùng nông thôn, trong khi Bộ chỉ huy NATO dè chừng với quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Afghanistan mà không có sự bảo đảm lập lại trật tự.

Quan điểm này đã được báo cho Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, khác với những người tiền nhiệm, ông Trump tuân theo lôgíc của mình, đó là “Nước Mỹ trước tiên." Chính phủ Ashrafa Ghani cũng không hài lòng, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Chính phủ Ashrafa Ghani buộc phải thực hiện quyết định của các nhà tài trợ.

Người dân Afghanistan đánh giá tích cực triển vọng đạt được hòa bình và hoan nghênh những sự kiện gần đây. Ở cấp độ khu vực, cần phải nhấn mạnh đóng góp tuyệt vời của tất cả các nước vào tiến trình hòa bình, đặc biệt là Nga. Việc quân đội Mỹ/MATO rút khỏi Afghanistan sẽ ảnh hưởng tới tình hình ở nước này và sẽ mở ra chương mới trong lịch sử khu vực.

Cơ hội thiết lập hợp tác kinh tế và phối hợp hành động khu vực về các vấn đề an ninh cho phép nâng cao tiềm năng trong lĩnh vực hoạt động chống khủng bố. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng ràng buộc lẫn nhau và thịnh vượng cho khu vực, cũng như đạt được kết quả thực tế trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy và buôn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục