Sau hơn hai tuần thành phố Hà Nội ra quân quyết liệt đòi lại vỉa hè tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những người vốn thường ngày “bám trụ” với cuộc sống mưu sinh nơi vỉa hè lại có nhiều “chiêu” để đối phó.
Đìu hiu “nền kinh tế vỉa hè”
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, vỉa hè ở các tuyến phố như Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Nghĩa Tân…. đã thông thoáng hơn. Không còn cảnh bày tràn lan từ bàn ghế đến xe cộ để buôn bán như trước đây.
Là một người dân sống ở phố Nguyễn Phong Sắc, vào mỗi buổi chiều đi đón đứa cháu ngoại tan học ở Trường tiểu học Nghĩa Tân, bác Nguyễn Thị Hoa cùng cháu đều phải mon men trên phần đường sát vỉa hè để về nhà.
Mỗi lần có tiếng còi xe, bất kể là xe gì, bác Hoa đều giật mình thon thót vì đang đi dưới làn dành cho phương tiện xe cơ giới. Nguy cơ tai nạn giao thông đối với người đi bộ kiểu này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Từ ngày chính quyền ra quân dành lại vỉa hè cho người dân, đường phố thông thoáng sạch sẽ, văn minh. Bây giờ, hai bà cháu có thể dễ dàng đi lại trên vỉa hè mà không phải tránh xe máy nữa,” bác Hoa chia sẻ.
[Cuộc chiến giành vỉa hè: "Chỉ số ít muốn làm nhẹ nhàng, mềm dẻo"]
Trái ngược với sự vui mừng của một số người dân, những "khổ chủ" kinh doanh trên vỉa hè lại không giấu được vẻ... buồn bã.
Quán ốc rộng chừng 14m2 kê được 5 chiếc bàn, chị Nguyễn Thị Tuyết chủ quán trên đường Nguyễn Phong Sắc thở dài kể, trước kia quán khá đông khách, thậm chí còn phải kê bàn lấn chiếm vỉa hè để có chỗ cho nhu cầu của “thượng đế”. Ba nhân viên chạy bàn cũng mệt nhoài bởi đồ ăn được mang ra liên tục.
Thế nhưng, từ ngày ra quân dẹp vỉa hè, chị Tuyết thành thật bảo, doanh thu sụt giảm hơn một nửa, nhân viên giờ cũng chẳng còn ai.
“Sáng nay đã phải cho ba đứa nghỉ không lương vì không có khách và doanh thu. Tiền thuê nhà hàng tháng còn không có lấy đâu ra nuôi nhân viên,” chị Tuyết ngao ngán nói.
Cũng như tình trạng của chị Tuyết, bà Nguyễn Thị Tính, 57 tuổi bị teo cơ chân đi lại rất khó khăn nhưng đã có thâm niên 10 năm bán nước trên vỉa hè ở phố Tô Hiệu.
Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt khắc khổ, rót chén nước chè đặc quánh, bà Tính chầm chậm kể về hành trình sống chung với “nền kinh tế vỉa hè”.
Bà kể, hai vợ chồng có với nhau một mụn con nhưng ông lại mất sớm từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bà phải một mình gánh gượng nuôi con khôn lớn. Hiểu hoàn cảnh nhà, cháu học rất giỏi và làm việc tại một công ty nước ngoài. Tưởng chừng sẽ được an hưởng về già, một tai nạn giao thông bất chợt ập đến khiến con bà bị gãy đốt sống lưng và liệt nửa người dưới. Hiện, toàn bộ sinh hoạt hàng ngày chỉ một tay bà lo toan.
Để có thể chạy đi, chạy về chăm con, bà Tính đã xin ngồi ké sát góc tường của một cơ quan phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) với lèo tèo vài ba chiếc ghế. Thu nhập trung bình thường ngày hai mẹ con cũng đủ ba bữa ăn và mảnh áo mỗi mùa.
Được chính quyền phường tuyên truyền về chủ trương không được kinh doanh buôn bán vỉa hè, bác Tính đã phải xin chủ cơ sở làm gara ôtô cách đó chừng 100m nhằm kê ké một góc bàn.
“Bàn ghế cũng không dám bày nhiều, trước kia còn bán thêm đồ ăn vặt giờ cũng chịu. Từ ngày chuyển hết đồ lên góc này khách vắng hẳn. Nhiều người thấy ngại khi phải ngồi chỗ chật chội, không thoáng mát, chưa kể nếu ngồi lùi ra ngoài vỉa hè là bị lực lượng chức năng nhắc nhở nên quán xá ở khu vực này đều lâm cảnh đìu hiu,” bác Tính nói.
Khẳng định luôn luôn chấp hành chính sách pháp luật, bà Tính mong muốn Nhà nước có những chính sách đặc biệt hỗ trợ cho những người tật nguyền có hoàn cảnh khó khăn như bố trí một khu buôn bán hoặc tạo công ăn việc làm cho những người vốn bám chặt với “nền kinh tế vỉa hè”.
Quán trong ngõ “lên ngôi”
Nhiều chủ cửa hàng bán đồ ăn trên phố Phùng Hưng, Hàng Vôi (Hoàn Kiếm)... đã phải chuyển trụ sở sang các con ngõ nhỏ hơn để đáp ứng lượng khách quen, duy trì kinh doanh.
Quán ngan có tiếng ở ngã ba giao cắt giữa đường Phùng Hưng-Cửa Đông vào mỗi buổi trưa nườm nượp khách ra vào. Thời gian trước, chủ quán bày bán ghế ở ngay dưới chân cầu vượt đường sắt kinh doanh nhưng đến nay chỉ còn kê đúng một bàn để duy trì thương hiệu. Còn lại, khi khách hỏi chỗ ngồi, có hẳn 2-3 người hướng dẫn để xe vào ngõ và an vị tại một nhà mới thuê khá rộng rãi.
“Do mặt đường ngõ rộng nên để xe thoải mái, quán cũng không xa so với vị trí trước đây nên lượng khách cũng dần quen với địa chỉ mới này. Một số thực khách ban đầu còn chưa biết, nhưng sau được hướng dẫn thì đã quay trở lại với thói quen khó bỏ,” chủ quán ngan này hào hứng nói.
[Chiến dịch đòi lại vỉa hè: Cần sự trong sáng và nghiêm ]
Trước “cơn lốc” cuốn tất cả hàng quán vi phạm lấn chiếm vỉa hè, một số tiểu thương cũng nghĩ ra những “tuyệt chiêu” riêng để đối phó.
Thực hiện không lấn chiếm vỉa hè, chị Nguyệt đã phải dời quán cơm của mình từ đường lớn phố Nghĩa Tân sang ngõ nhỏ hơn để duy trì việc buôn bán nên số lượng khách không giảm nhiều.
Dù quán có vị trí không bằng trước nhưng giá thuê lại đắt hơn, chị Nguyệt chia sẻ: “Khách toàn những người xe ôm, công nhân, sinh viên có thu nhập thấp. Nếu đồ ăn ngon chất lượng, rẻ thì khách vẫn chấp nhận đến ăn.”
Buôn bán thịt lợn trên chợ trong khu sinh viên đã gần 5 năm nay, chị Hà cũng không khỏi lo lắng vì chiến dịch dành lại vỉa hè. Cũng may, ngay sau chỗ chị bán có khoảng sân khá rộng rãi, chủ nhà làm hàng rào sắt nên chị đã nhờ mở một cánh của nhỏ để cái bàn thò ra, thụt vào giữa vỉa hè và khoảng sân.
Khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra, cánh tiểu thương như chị Hà liền kéo vội chiếc bàn vào hẳn trong sân. Chiếc xe vừa đi được một đoạn, bàn lại được đẩy ra ngoài lề hè nhằm cho người đi chợ dễ dàng quan sát.
“Dù có cao điểm chiến dịch vỉa hè nhưng cánh tiểu thương phải ‘sáng tạo’ và sống chung với lũ mới có thể tồn tại trong mưu sinh,” chị Hà cười bẽn lẽn nói./.