Giảm mức cảnh báo, liệu Mỹ có thay đổi chính sách với Cuba?

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa giảm mức cảnh báo nguy hiểm cho công dân nước này từ cấp độ 4 - mức cao nhất có thể - xuống cấp độ 2, trong đó chỉ bao gồm lời khuyến cáo “cẩn trọng” khi đi du lịch nước ngoài.
Giảm mức cảnh báo, liệu Mỹ có thay đổi chính sách với Cuba? ảnh 1Đại sứ quán Mỹ tại Cuba. (Nguồn: EPA)

Theo tổng kết của tuần báo Progreso Semanal (báo Mỹ xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha), Bộ Ngoại giao Mỹ vừa giảm mức cảnh báo nguy hiểm cho công dân nước này từ cấp độ 4 - mức cao nhất có thể - xuống cấp độ 2, trong đó chỉ bao gồm lời khuyến cáo “cẩn trọng” khi đi du lịch nước ngoài.

Biện pháp này có lẽ hướng tới việc chỉnh sửa lại một chính sách bị số đông thuộc đủ mọi tầng lớp chính trị và giai cấp xã hội Mỹ phản đối.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khôi phục một phần các dịch vụ lãnh sự tại Đại sứ quán của nước này ở Cuba, nhưng chỉ dành cho các công dân Mỹ có mặt tại đảo quốc này.

Washington vẫn tiếp tục ngừng các dịch vụ dành cho người dân Cuba muốn tới Mỹ, dù là đi thăm hay với mục đích định cư lâu dài, và họ vẫn phải sang nước thứ 3 để tiến hành các thủ tục cần thiết.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những biện pháp nói trên là để đáp lại những khuyến nghị của Ủy ban đánh giá rủi ro thuộc Bộ này, trong đó bao gồm các biện pháp an ninh không được công bố chi tiết dành cho cán bộ và nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba, những người chỉ có thể tại nhiệm 1 năm nếu không có thân nhân đi cùng.

Tuy nhiên, tuần báo Progreso Semanal nhấn mạnh rằng tất cả những động thái này không có nghĩa là Mỹ cải thiện quan hệ với Cuba.

Ngược lại, Washington vẫn đẩy mạnh các hoạt động chống phá Havana và Cuba vẫn là một mục tiêu trong cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào những tiến bộ tại Mỹ Latinh.

Và rõ ràng, để phục vụ mục đích này, việc cắt giảm nhân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba là không hữu ích.

Mới đây, Đơn vị điều tra của Quốc hội Mỹ vừa công bố một bản ghi nhớ, trong đó nhận định rằng tình trạng hiện tại của cơ sở ngoại giao Washington tại Havana đã “làm giảm đáng kể khả năng của Bộ Ngoại giao Mỹ - và kéo theo làm giảm khả năng của các đơn vị phụ thuộc - trong việc nắm bắt tình hình lãnh thổ và báo cáo về những bước phát triển tại địa bàn.”

Nói cách khác, với quyết định của mình, Mỹ đang mù mờ hơn về những thay đổi đang diễn ra tại Cuba và đánh mất một phần khả năng tác động vào những thay đổi này.

Ngay cả những kẻ được gọi là “bất đồng chính kiến,” những người nhận ngân sách hàng triệu USD từ Mỹ để phá hoại chế độ Cuba, cũng phàn nàn công khai về những tác động mà họ phải hứng chịu từ việc bị hạn chế tiếp cận Đại sứ quán Mỹ.

Đây hoàn toàn có thể là một trong những nguyên nhân chính của những động thái sửa sai vừa qua.

Bên cạnh đó, các bước đi nói trên có thể xuất phát từ việc câu chuyện thần bí về “tấn công sóng âm,” từng là lời bào chữa cho việc Washington đơn phương quyết định cắt giảm nhân sự ở cả 2 đại sứ quán Mỹ tại Cuba và Cuba tại Mỹ, đang mất dần tính khả tín.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy bận tâm về việc tăng tính khả tín và xích lại gần sự thật trong các quyết sách của mình.

Cách giải thích tốt nhất có lẽ phải tìm kiếm trong chính sách đối nội tại chính nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cận kề cuộc bầu cử nghị viện giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, nơi mà Đảng Cộng hòa đang đối diện một tình thế khá phức tạp.

[Mỹ giảm thời hạn nhiệm kỳ của các nhà ngoại giao tại Cuba]

Từ lâu nay, đã có 2 cách nhìn nhận khác nhau trên chính trường Mỹ về việc đi lại của công dân Mỹ tới Cuba.

Quan điểm chiếm ưu thế hơn là ngăn cản hoạt động này, với lập luận rằng chúng đi ngược lại không khí thù địch mà Mỹ muốn tạo ra trong quan hệ giữa hai nước.

Cách nhìn ngược lại là nên thúc đẩy hoạt động này, với ý tưởng rằng chúng sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại Cuba và hỗ trợ cho sự phát triển của giới tư nhân, được coi như tác nhân thay đổi chế độ tiềm năng tại Cuba.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng theo đuổi quan điểm thứ hai và Havana chấp nhận thách thức, với sự tin tưởng vào sức mạnh chính trị của mình và khả năng kiên định theo đuổi các kế hoạch phát triển tự chủ của riêng mình.

Chỉ trong ít tháng, bất chấp những cản trở vẫn tồn đọng từ cuộc bao vây cấm vận, chính sách của Obama đã khiến các chuyến đi của công dân Mỹ tới Cuba gia tăng đáng kể, trong khi nhiều doanh nghiệp và tổ chức Mỹ cũng tranh thủ thời khắc giảm căng thẳng để thúc đẩy trao đổi với các đối tác Cuba.

Các biện pháp đảo chiều sau đó của Donald Trump đã làm giảm tới gần 25% lượng người Mỹ tới Cuba trong năm này so với cùng kỳ năm trước.

Do những nguy cơ về pháp lý và tài chính khi hoạt động trong điều kiện cảnh báo cấp 4, hơn 80% các hãng lữ hành Mỹ đã buộc phải hủy bỏ một phần các chuyến đi tới Cuba và những trao đổi học thuật và văn hóa đang diễn ra giữa hai nước cũng chịu tác động tương tự.

Chính vì vậy, việc hạ cấp cảnh báo có thể tạo điều kiện cho sự gia tăng trở lại của các chuyến đi từ Mỹ tới Cuba và theo cách đó, thỏa mãn những yêu cầu lợi ích khá lớn liên quan tới công nghiệp du lịch, bao gồm cả dây chuyền khách sạn, hàng không, các hãng lữ hành, các hãng du lịch tàu biển, cũng như những học viện hàn lâm và văn hóa, kể cả tôn giáo, mà nhiều trong số họ là những bên đóng góp quan trọng vào quá trình bầu cử Mỹ.

Một vấn đề mà các bước đi mới đây vẫn chưa giải quyết được là những tổn thất mà chính sách diều hâu của Trump gây ra cho cộng đồng kiều dân Cuba và tác động của nó đối với cuộc bầu cử tại Florida.

Washington đã thừa nhận không hoàn thành các thỏa thuận về di trú với Havana, mà theo đó chính phủ Mỹ phải cấp mỗi năm 20.000 thị thực cho những người Cuba muốn sinh sống tại Mỹ, để đối lấy việc Cuba tiếp nhận những người mà Mỹ muốn trả về và phối hợp ngăn chặn hoạt động vượt biên trái phép.

Trong năm nay, Mỹ mới cấp 8.000 thị thực và tác động này khá nhạy cảm tới tới chương trình đoàn tụ gia đình bắt đầu từ năm 1994. Nghiêm trọng hơn, việc đóng cửa bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Mỹ tại Cuba đã khiến hàng nghìn người không thể thực hiện các chuyến đi thăm thân nhân.

Theo cuộc thăm dò mới đây của hãng Florida Latino Voters, 21% cử tri Mỹ gốc Cuba nhận định vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử sắp tới liên quan tới chính sách di trú và đoàn tụ gia đình.

Thông tin này có lẽ đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo đối với phe Cộng hòa, hiện đang tham vọng giữ được đa số phiếu bầu tại cuộc bầu cử được dự báo là sẽ rất sát sao.

Đặc biệt, đây sẽ là vấn đề quan trọng trong việc quyết định 3 ghế Hạ nghị sỹ của bang mà hiện đều nằm trong tay các chính khách Cộng hòa diều hâu gốc Cuba.

Khi thúc đẩy chính sách phân ly các gia đình, giới cực hữu gốc Cuba tại Florida đã "tự bắn vào chân mình" và nếu họ không cẩn thận, việc chảy máu có thể cướp đi sinh mạng chính trị của họ.

Như vậy, sẽ không quá bất ngờ khi dự báo rằng trong những ngày tới, chính phủ Mỹ, với sự đồng thuận ngầm từ giới cực hữu gốc Cuba, sẽ đưa ra các biện pháp khác biệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục