Gian nan chống "cát tặc” hoành hành trên sông Cái

Nạn "cát tặc" đang hoành hành trên sông Cái qua Diên Khánh (Khánh Hòa), thực sự khiến người dân nơi đây luôn sống nơm nớp lo âu.
Vào các tháng Hè, nhu cầu xây dựng tăng nhanh, các dòng sông vơi nước, đây chính là “mùa” các ghe thuyền hút cát trái phép, gọi nôm na là “cát tặc,” hoạt động ráo riết trên sông Cái, tỉnh Khánh Hòa.

Sông Cái bắt nguồn từ huyện miền núi Khánh Vĩnh, chảy qua huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), đây là “miếng mồi ngon” cho “cát tặc” xâu xé. Nhức nhối nhất là đoạn qua huyện Diên Khánh dài gần 12km, nạn khai thác cát tràn lan ở đây đã khiến nhiều người dân dọc sông mất nhà, mất đất vì sạt lở, cuộc sống luôn luôn nơm nớp lo âu.

Sẵn sàng đánh chìm ghe để tẩu tán

5 giờ sáng chúng tôi có mặt tại xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh), chỉ một khúc sông ngắn khoảng 200 mét nhưng có đến 5 chiếc ghe đang hút cát. Khác với việc dùng gàu múc cát thô sơ, các ghe đều trang bị máy hút công suất lớn, chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, mỗi ghe có thể hút được 3-4 mét khối cát.

Ở những điểm nhiều cát việc hút cát diễn được thực hiện liên tục, ghe này đầy lập tức có ghe khác chạy đến thế chỗ. Người dân ở đây cho biết, “cát tặc” hoạt động 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa, buổi chiều từ 2 giờ đến 6-7 giờ tối. Vào các ngày trăng sáng, “cát tặc” hoạt động đến tận 1-2 giờ sáng mới chịu nghỉ. Máy nổ ầm ĩ liên tục khiến người dân nhiều đêm mất ngủ.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc các xã thuộc huyện Diên Khánh như Diên Phú, Diên Lạc, Diên Phước, Diên Thọ, Diên Sơn… đều có các ghe thuyền hút cát trái phép với mật độ dày.

Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Diên Khánh, huyện đã phối hợp với các xã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét. Để đối phó, các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng người cảnh giới, thông báo bằng điện thoại di động để tẩu tán tang vật, thậm chí họ sẵn sàng đánh chìm ghe. Manh động hơn những người khai thác cát trái phép còn cướp lại ghe, hăm dọa người thực thi nhiệm vụ.

Mới đây nhất, ngày 6/7, tại xã Diên Phú, sau khi phát hiện đoàn kiểm tra, “cát tặc” đã tự đánh đắm ghe của mình rồi bỏ chạy.

Ông Hồ Đắc Thuần, cán bộ địa chính xã Diên Phú cho biết: “Thông thường mỗi ghe có hai người, một ở trên cảnh giới, một người ở dưới điều khiển ống hút. Những lần trước, báo động thấy ca nô của đoàn kiểm tra, lập tức các đối tượng hút cát trái phép cho nước vào đánh đắm ghe, tẩu thoát. Đợi lúc đoàn kiểm tra đi khỏi, các đối tượng này mới cho người ra trục vớt lấy lại ghe. Trước hành động ngoan cố đó, lần này, chúng tôi quyết khống chế hiện trường, lập tức cho người trục vớt, tịch thu phương tiện, máy móc thiết bị đưa về Ủy ban Nhân dân xã xử lý. Hiện, xã Diên Phú tạm giữ 3 ghe khai thác trái phép.”

Ngoài ra, để lẩn trốn cơ quan chức năng, các đối tượng này thường xuyên khai thác vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ, khai thác ban đêm. Tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương cho phép xử lý các ghe đang neo đậu trên bờ có đầu hút, vòi hút. Để đối phó, sau khi khai thác cát, các đối tượng liền tháo dỡ vòi ống, đợi đến đêm khi đi khai thác mới đem ra sử dụng.

Đi cùng với nạn “cát tặc” là hàng chục điểm mua bán cát trái phép với quy mô lớn nhỏ mọc lên dọc tuyến tỉnh lộ 3, tuyến đường Nha Trang-Đà Lạt. Có điểm, chủ bãi còn trang bị cả xe múc và đa số các bãi tập kết cát đều có người cảnh giới. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Diên Khánh, dọc dòng sông có 12 điểm tập kết, mua bán cát trái phép và nhiều điểm tập kết nhỏ, dùng xe bò để vận chuyển.

Huyện Diên Khánh đã nhiều lần kiểm tra xử lý, tháo dỡ nhưng các đối tượng này chờ cơ hội thuận tiện là khôi phục hoặc tạo mới địa điểm. Việc tập kết cát trái phép còn mang tính cơ động với việc hút cát đổ thẳng lên xe.

Hậu quả người dân gánh chịu

Việc hút cát trái phép đã làm lòng sông ngày càng sâu hơn, gây ra sự biến đổi về dòng chảy, mỗi lúc mùa lũ về việc sạt lở bờ diễn ra hàng loạt, gây hậu quả nghiệm trọng cho người dân ở hai bên bờ sông. Trong đợt lũ năm ngoái, tại thôn 1, xã Diên Phú, khu vực gần sông đã bị sạt lở gần 300 mét, sâu vào bờ 10-30 mét, điều này khiến 10 hộ dân mất đất, ảnh hưởng đến đời sống.

Ông Nguyễn Văn Cóc là một nạn nhân, bức xúc: “Mấy năm trước, đến hè, chúng tôi có thể lội qua sông được, bây giờ nạn hút cát ráo riết đã khiến lòng sông sâu hoắm sâu đến 4-6 mét nước, mỗi khi nước lớn chảy về là xuất hiện lở đất. Gia đình có mảnh vườn trồng cây mai bán dịp tết, thế nhưng mùa lũ năm 2010, sạt lở bờ sông đã ăn sâu vào tận móng nhà, thiệt hại gần 700 mét vuông đất trồng. Với tình trạng hút cát tràn lan hiện nay, gia đình tôi rất lo lắng cho mùa mưa sắp đến. Rất mong chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết, chấm dứt nạn “cát tặc” trả lại bình yên cho bà con.”

Ở xã Diên Thọ (Diên Khánh), người dân cũng ở trong tình cảnh tương tự, nhiều nhà dân ở sát dòng sông đã bị hư hỏng, thậm chí có người phải phải bỏ đi nơi khác sinh sống. Chỉ tay về phía căn nhà trống bên cạnh, bà Đỗ Thị Minh Tỏ, trú ở thôn Phước Lương, xã Diên Thọ cho biết: “Mùa lũ trước nhà tôi bị sập, mới làm lại đây nhưng đã bị nứt vách. Người nào có tiền mới dám đổ đá làm kè xây nhà, ai không có thì đành bỏ đi vì lo sợ nhà sập.

Vào mùa mưa, nước dâng cao, người ở trong nhà mà nơm nớp lo âu, nửa đêm không ai dám ngủ vì sợ nước cuốn đi. Việc hút cát lậu chúng tôi đã nhiều lần báo lên xã, xã đã cử người kiểm tra, truy quét gắt gao nhưng được một thời gian, đâu lại vào đấy. Người ta hút lén cát vào ban đêm nên có báo xã, xã cũng không có phương tiện để xử lý.”

Bà Võ Thị Thu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh, cho rằng: “Chưa ai khẳng định việc sạt lở là do nạn hút cát gây ra. Theo tôi, nạn hút cát là một trong nhiều nguyên nhân gây sạt lở. Tuy nhiên với trách nhiệm của mình chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến khai thác cát trái phép.”

Theo đó, năm 2010, đội kiểm tra liên ngành huyện Diên Khánh đã xử lý 21 trường hợp vận chuyển, 8 trường hợp khác thác trái phép, tịch thu 2 xe, 7 ghe hút cát, 4 đầu hút phạt gần 95 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2011, đội đã xử lý 16 trường hợp vận chuyển, tịch thu 1 ghe, phạt hơn 20 triệu đồng.

Cần có đối sách lâu dài

Trên thực tế, việc sử dụng cát để xây dựng là điều bắt buộc và nhu cầu ngày càng lớn. Huyện Diên Khánh là nguồn cung cấp cát chính để xây dựng ở thành phố Nha Trang và phụ cận.

Năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ cấp phép cho 2 đơn vị dựa trên đấu thầu. Đến nay, gần như toàn bộ các bãi bồi trên địa bàn huyện Diên Khánh đều đã hết hạn cấp phép. Do đó, việc khai thác cát hầu như rơi và tình trạng “vô chủ”, sự quản lý không được chặt chẽ đã nảy sinh tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan, khai thác cả những vùng ảnh hưởng đến người dân.

Hai năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Trần Bình thăm dò, lấy cơ sở quy hoạch tài nguyên cát, nhưng tiến độ rất chậm, gây khó khăn cho công tác quản lý của huyện Diên Khánh.

Về việc này, ngày 29/4/2011, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh đã có văn bản báo cáo lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực trạng khó khăn để tỉnh sớm chỉ đạo đẩy nhanh công tác thăm dò, quy hoạch lấy cơ sở để cấp phép hoặc cho đấu thầu tại các bãi bồi mới hình thành.

Tuy nhiên, đến nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chưa có ý kiến chỉ đạo, trong khi đó Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 nhưng hệ thống văn bản dưới luật chưa được ban hành. Điều này sẽ tiếp tục kéo dài việc khai thác không theo quy hoạch, quy định, lãng phí nguồn tài nguyên.

Thiết nghĩ, việc khai thác tài nguyên cát phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân là điều tất yếu, do đó các nhà quản lý có một đối sách lâu dài để khai thác bền vững, tránh những ảnh hưởng xấu./.

Quang Đức (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục