Giáo dục đạo đức, lối sống: Phải qua các hoạt động cụ thể, thiết thực

Khẳng định vai trò của giáo dục đạo đức, lối sống, tư tưởng và khơi dậy khát vọng cống hiến là vô cùng quan trọng, các đại biểu cũng cho rằng điều này cần thông qua các hoạt động thiết thực.
Giáo dục đạo đức, lối sống: Phải qua các hoạt động cụ thể, thiết thực ảnh 1Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: BTC)

Để việc giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cho học sinh không thể chỉ bằng rao giảng lý thuyết mà phải qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, trong đó học sinh trực tiếp tham gia. Và các thầy cô giáo phải là những tấm gương.

Đây là quan điểm được nhiều ý kiến chia sẻ tại Hội nghị triển khai QĐ số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030.” Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Hình thức, thiếu hiệu quả

Chia sẻ tại Hội nghị, em Chu Thành Đạt, sinh viên, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết việc giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cho học sinh, sinh viên vẫn còn nặng tính bình thức, chưa hiệu quả.

Nêu ví dụ cụ thể, Thành Đạt cho hay các phương pháp và hình thức giáo dục hiện nay chưa thực sự phù hợp với phần lớn đối tượng học sinh, sinh viên. Các môn học lý luận chính trị vẫn còn nặng tính lý thuyết.

Các ấn phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền về đạo đức, lối sống, tư tưởng chưa thực sự sinh động, hấp dẫn sinh viên khi thường sẽ dày đặc chữ thay vì tóm lược các nội dung, từ khóa quan trọng.

Dù nhiều buổi tọa đàm về chủ đề này đã được tổ chức nhưng phần lớn đều diễn ra dưới hình thức diễn giả chia sẻ, học sinh, sinh viên lắng nghe, thiếu tính tương tác hai chiều nên giảm hiệu quả.

Từ thực tế này, Thành Đạt cho rằng những nội dung giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cần được triển khai dưới nhiều hình thức sinh động, trực quan hơn, bao gồm nhiệm vụ học tập, sinh hoạt của tổ chức Đoàn; thông qua các hoạt động ngoại khóa như diễn đàn thanh niên, chiến dịch hè tình nguyện, hành quân về nguồn, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi...

Giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc việc rèn luyện lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên phải theo định hướng thực hành, chứ không nên chỉ nặng phần lý thuyết như hiện nay.

Mỗi thầy cô phải là một tấm gương

Theo giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung Ương, một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh, sinh viên nói riêng và thanh thiếu niên nói chung là phải đề cao và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, của cán bộ đoàn, của người lớn, của những người có ảnh hưởng tới thế hệ trẻ như các trí thức, chuyên gia, nhà lãnh đạo...

Giáo dục đạo đức, lối sống: Phải qua các hoạt động cụ thể, thiết thực ảnh 2Giáo sư Hoàng Chí Bảo. (Ảnh: BTC)

“Thực hiện lời Bác dạy ‘một tấm gương sống còn có giá trị và ý nghĩa hơn hàng trăm bản diễn văn, tuyên truyền.’ Đó là những tấm gương văn hoá, nhân cách. Văn hóa có sức hấp dẫn lớn, thúc đẩy tuổi trẻ nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng cống hiến," giáo sư Hoàng Chí Bảo nói.

Cùng quan điểm này, cô Nguyễn Thu Anh cho biết tại Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đều phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

[Cần tiếp tục giữ môi trường văn hóa mẫu mực trong giáo dục phổ thông]

Cụ thể, cô Thu Anh cho hay các thầy cô thường xuyên học hỏi qua các buổi tập huấn với chuyên gia, chia sẻ với đồng nghiệp. Giáo viên nhà trường cũng sẵn sàng chia sẻ với các thầy cô giáo ở nhiều địa phương khác để nâng cao hiệu quả giáo dục. Trường luôn nỗ lực xây dựng môi trường làm việc tôn trọng, trung thực, trách nhiệm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, đề cao các giá trị nhân văn, tình yêu thương giữa các thành viên trong tập thể nhà trường, đặc biệt là tinh thần làm việc hết lòng vì sự tiến bộ của học sinh.

“Chính hình ảnh những người thầy, người cô tràn đầy tâm huyết ấy như một tấm gương chân thực mà gần gũi, lan tỏa đến học trò những giá trị cốt lõi của nhà trường và cần mẫn ngày ngày cùng với học trò thắp lên những ngọn lửa khát khao và cống hiến,” cô Thu Anh chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về đức, trí, thể, mỹ là mục tiêu quan trọng của giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ càng cần được giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, có đạo đức, có ý thức, có trách nhiệm, có năng lực để thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và trở thành những công dân Việt Nam tốt, công dân toàn cầu.

Giáo dục đạo đức, lối sống: Phải qua các hoạt động cụ thể, thiết thực ảnh 3Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: BTC)

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng là quá trình thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục; cần được tổ chức triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả từ mỗi gia đình, nhà trường; sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài nhà trường.

“Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Ban Tuyên giáo các cấp sẽ tích cực chỉ đạo, định hướng, phối hợp với ngành giáo dục trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác thanh niên,” Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục