Giáo dục STEM: Sáng tạo nhưng không gây áp lực, không áp đặt tư duy

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu trong quá trình chỉ đạo, tổ chức dạy học STEM không gây áp lực, tốn kém đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hôm nay, 21/3, Bộ đã tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông tại Bắc Giang. Theo đó, hoạt động giáo dục STEM đã đạt kết quả tích cực khi chỉ tính riêng trong năm học 2022-2023 đã có hơn 75.000 lượt bài học STEM được triển khai. Tuy nhiên, giáo dục STEM vẫn còn những bất cập cần khắc phục để triển khai tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024.

Bước tiến trong giáo dục STEM

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay đồng thời cho biết hội thảo là nơi để các nhà trường, giáo viên nêu lên những thuận lợi, vướng mắc, trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.

Thông tin tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh đã được triển khai thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương. Trong những năm qua, giáo dục STEM trong các trường trung học đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học, số lượng các trường trường triển khai bài dạy STEM tăng qua các năm. Riêng năm học 2022-2023 có hơn 75.000 lượt bài dạy STEM đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước.

nghien cuu khoa hoc.jpg
Giáo dục STEM ngày càng được đẩy mạnh trong các nhà trường. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, việc xây dựng và thực hiện bài học STEM còn bộc lộ một số hạn chế như học sinh tham gia nhiều ở phần thực nghiệm; việc thiết kế, xây dựng phương án thí nghiệm để giải quyết vấn đề phát hiện còn hạn chế; chưa có nhiều cơ hội để học sinh được áp dụng kiến thức đã học từ chương trình môn học giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Bên cạnh đó, phần lớn các bài học là STEM kỹ thuật, chế tạo dụng cụ, học sinh thực hiện theo quy trình đã định trước, bài học STEM khoa học còn ít được triển khai.

Học sinh phải là chủ thể chính

Tại hội thảo, đại diện các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường cũng chia sẻ những vấn đề khó khăn khi triển khai giáo dục STEM như cơ sở vật chất, tập huấn đội ngũ giáo viên, kinh phí thực hiện… đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống trở thành xu thế tất yếu. Do đó, đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM trong các trường phổ thông chính là nền tảng để tạo nên nguồn nhân lực cao cho đất nước trong tương lai.

Đánh giá cao sự tích cực của các sở giáo dục và đào tạo đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động, sáng tạo, đi trước mở đường của đội ngũ giáo viên thời gian qua, tuy nhiên, từ thực tế triển khai, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định vấn đề nhận thức về STEM trong giáo dục và xã hội chưa được đầy đủ, quan tâm chưa được đúng mức. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về hoạt động này cũng chưa thực sự tốt nên xã hội chưa hiểu hết nội dung. Từ thực tế đó, Thứ trưởng đề nghị, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu về STEM.

Theo Thứ trưởng, STEM trong giáo dục phổ thông là khoa học, công nghệ, toán học ở bậc phổ thông nên phải phù hợp với đối tượng, lứa tuổi và mục tiêu của học sinh trung học. Các thầy cô giáo, chuyên gia là những người hướng dẫn, học sinh phải là chủ thể chính trong hoạt động giáo dục này. Các bài học, hoạt động, dự án phải dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của nhà trường để thực hiện và không áp đặt suy nghĩ, tư duy giải quyết vấn đề của người lớn qua các em học sinh phổ thông.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng các chương trình tập huấn cho giáo viên cốt cán về triển khai giáo dục STEM trong các nhà trường, có tổng kết đánh giá về giáo dục STEM một cách bài bản hơn. Các nhà trường xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và là nhiệm vụ cần thực hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông mới và triển khai với tinh thần sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Thứ trưởng cũng lưu ý các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường nên chủ động xây dựng các hình thức triển khai hoạt động STEM đa dạng, phong phú. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo, tổ chức không gây áp lực, tốn kém đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động giáo dục STEM./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục