Giao thông miền núi Quảng Ngãi còn ngổn ngang sau mưa, bão

Mưa lớn đã làm cho nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, bị hư hỏng nặng, gây nhiều khó khăn, hiểm nguy rình rập cho người dân vùng cao khi lưu thông đi lại.
Giao thông miền núi Quảng Ngãi còn ngổn ngang sau mưa, bão ảnh 1Tuyến đường bêtông từ Trạm y tế xã Sơn Dung (Sơn Tây) đi thôn Gò Lã bị sạt lở nghiêm trọng sau mưa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Sau những đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 10/2022, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch tại các xã miền núi huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) bị sạt lở, chia cắt vẫn chưa được khắc phục gây nhiều khó khăn, hiểm nguy rình rập cho người dân vùng cao khi lưu thông đi lại vận chuyển nông sản.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tây, mưa lớn đã làm cho nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện bị hư hỏng nặng như tuyến tại Trạm Y tế xã Sơn Dung đi thôn Gò Lã; tuyến DT623 xã Sơn Liên; tuyến đường ĐX20 xã Sơn Tân; tuyến đường ĐH86B từ Huyện đội đi ĐăK Lang; tuyến đường ĐH82B ngã ba Trường Sơn Đông đi Ra Manh; tuyến đường ĐH83...

Nặng nhất là tuyến đường bêtông nối từ Trạm Y tế xã Sơn Dung đi thôn Gò Lã.

[Quảng Ngãi: Triều cường đánh sập hàng chục mét kè biển]

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ với chiều dài 3km trên tuyến hiện có 2 điểm sạt lở rất nghiêm trọng.

Điểm thứ nhất dài hơn 100m, mặt đường bêtông rộng hơn 3m đã bị sập hoàn toàn một bên, tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm.

Điểm thứ 2 toàn bộ mặt đường đã bị sụp hoàn toàn tạo thành hố sâu, chính quyền địa phương đã phải giăng dây cấm các phương tiện lưu thông qua lại.

Giao thông miền núi Quảng Ngãi còn ngổn ngang sau mưa, bão ảnh 2Huyện Sơn Tây cắm biển cảnh báo cho người dân nguy cơ sạt lở núi trên tuyến tỉnh lộ 623 qua xã Sơn Liên. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Ông Kim Ngọc Văn, cán bộ địa chính xã Sơn Dung, cho biết thôn Gò Lã có 23 hộ với 123 nhân khẩu, năm 2021 bão số 9 với mưa lớn đã gây ra tình trạng sạt lở trên tuyến nhưng chưa được khắc phục.

Liên tiếp những đợt mưa do ảnh hưởng của bão trong tháng 10 vừa qua khiến tuyến đường hư hỏng trầm trọng hơn.

Hiện nay, người dân không thể sử dụng các phương tiện để lưu thông trên tuyến mà phải đi bộ men theo taluy đường; khó khăn nhất là hàng trăm ha cây gỗ keo của người dân đã đến kỳ thu hoạch cũng không thể vận chuyển đến các nhà máy bán.

Tại xã Sơn Liên, mưa lớn khiến một phần quả đồi sạt xuống tỉnh lộ 623 kéo theo khối lượng đất đá rất lớn che lấp hết mặt đường.

Chính quyền huyện Sơn Tây đã tổ chức khắc phục tạm tạo thuận lợi cho người dân lưu thông trên tuyến, nền đường qua khu vực vẫn lởm chởm đất đá gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông qua khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Công, xã Sơn Liên, cho biết tuyến DT623 là tuyến đường huyết mạch từ xã Sơn Liên đi các tỉnh Tây Nguyên.

Địa hình của Sơn Liên dọc hai bên đường toàn đồi núi. Mỗi mùa mưa, sườn núi lại bị chẻ ra, sạt lở xuống rất nguy hiểm. Mỗi lần đi qua khu vực sạt lở này bà con nơi đây rất sợ.

Ông Đinh Văn Dương, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sơn Tây, cho biết điều kiện tự nhiên của huyện phần lớn là núi đồi, thường xuyên xảy ra sạt lở gây chia cắt các tuyến đường giao thông.

Sau những đợt mưa lớn trong tháng 10 vừa qua, hiện nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện bị hư hại vẫn chưa được khắc phục, trong đó cấp bách nhất là tuyến đường từ Trạm Y tế xã Sơn Dung đi thôn Gò Lã.

“Đường giao thông sạt lở do mưa lũ không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân mà những sản phẩm nông sản nơi đây không thể vận chuyển ra bên ngoài tiêu thụ. Tôi mong rằng các cấp chính quyền sớm sắp xếp, bố trí nguồn vốn sửa chữa những vị trí hư hỏng do sạt lở trên tuyến giúp người dân sớm ổn định đời sống, tái sản xuất,” ông Dương cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục