"Gió" phương Đông thổi luồng sinh khí mới vào IMF

Năm qua, những làn gió từ phương Đông đã giúp xua tan cơn bão tài chính khủng khiếp nhất trong vòng bảy thập kỷ trở lại đây.

Đồng thời những làn gió từ phương Đông cũng thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống tài chính thế giới cũ kỹ được hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Năm qua, những làn gió từ phương Đông đã giúp xua tan cơn bão tài chính khủng khiếp nhất trong vòng bảy thập kỷ trở lại đây, đồng thời thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống tài chính thế giới cũ kỹ được hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảm nhận rõ nhất làn gió ấm này.

IMF đã có một "sự khởi đầu mới" có thể nói là tốt đẹp khi Ban lãnh đạo định chế tài chính đa phương toàn cầu này nhất trí thông qua một quyết định lịch sử ủng hộ đề xuất của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) về cải tổ IMF.

Theo lời ông Dominique Strauss-Kahn - Giám đốc điều hành IMF, đây là đợt cải tổ cơ cấu quản trị cơ bản nhất trong lịch sử 65 năm của IMF và là sự thay đổi có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay.

Cơ quan quyền lực tối cao của IMF đã phê chuẩn kế hoạch điều chỉnh quyền đại diện và chi phối định chế tài chính này theo hướng có lợi cho các nền kinh tế mới nổi và những nước đang phát triển nhằm thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của họ trong nền kinh tế toàn cầu.

Thực chất của sự cải cách này nằm ở chỗ, các cường quốc kinh tế mới nổi sẽ nhận hai ghế trong Ban điều hành IMF, đồng thời có thêm 6% hạn ngạch bỏ phiếu trong các quyết định của quỹ. Với động thái điều chỉnh bất ngờ và lớn chưa từng có này, Trung Quốc từ vị trí thứ 6 nhảy lên ba bậc để trở thành một trong ba cổ đông lớn nhất của IMF, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

Thỏa thuận này cũng khỏa lấp phần nào khoảng cách giữa nhóm các nước phát triển và đang phát triển khi tăng quyền bỏ phiếu cho các thành viên thuộc nhóm sau và đưa các cường quốc mới nổi là Ấn Độ, Brazil và Nga - các đối tác của Trung Quốc trong khối BRIC - vào tốp 10 cổ đông lớn nhất của IMF.

Quyền lực của các nước BRIC tính tổng cộng đã tăng từ 3,5% đến 14,2%. Rõ ràng với quyết định trên, IMF đã chính thức công nhận vai trò ngày càng tăng của bốn quốc gia BRIC trong nền kinh tế thế giới. Giới chuyên gia bình luận đây là một bước nhảy vọt, và xu thế này sẽ tiếp tục phát triển. Họ dự đoán trong vòng 5 năm tới, các nước đang phát triển và những nước có tiềm năng thị trường khổng lồ sẽ chiếm vị trí bình đẳng trong Ban Giám đốc IMF.

Cũng có một số ý kiến cho rằng cải cách IMF như vậy chưa đủ mạnh, trừ khi có một sự cân bằng tốt hơn trong cơ cấu quản trị. Việc Trung Quốc trở thành cổ đông lớn thứ ba của IMF và Ấn Độ lên vị trí thứ sáu đã phản ánh chính xác hơn vị trí cân đối và ảnh hưởng ngày càng tăng của các thị trường mới nổi trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, không phải tất cả những thay đổi đều đã đủ nặng để các nước đang phát triển có được sự hiện diện đáng chú ý hơn, cũng như có tiếng nói quan trọng hơn, trong các hoạt động nội bộ và trong việc ra quyết định chung của IMF.

Do nằm trong tốp 10 cổ đông lớn nhất, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã có vị trí trong ban chấp hành cải tổ. Nhưng phần lớn các nền kinh tế đang phát triển nhỏ hơn và nghèo hơn vẫn bị đặt ở "chiếu dưới," vì phần phiếu bầu của họ tăng không đáng kể. Nói cách khác "sự thay đổi lịch sử" đã diễn ra phần nào trên lưng những quốc gia phát triển khác.

Quyền của các nền kinh tế lớn như Venezuela, Argentina, Nam Phi và Arập Xêút trong IMF sẽ giảm bớt, trong khi cổ đông lớn nhất là Mỹ (hiện sở hữu 17,67% hạn ngạch bỏ phiếu trong IMF) vẫn duy trì quyền phủ quyết những quyết định quan trọng nhất và quyền lực lớn nhất trong IMF vẫn thuộc về các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Khi cải cách không đi đủ xa và vẫn giữ nguyên việc thực hiện quyền của các cổ đông lớn giàu có, những thay đổi trong việc phân phối các quyền biểu quyết sẽ không tạo sự khác biệt đáng kể cho sự cân bằng quyền lực trong tổ chức tài chính quốc tế này.

Tuy vậy, gói quyền bỏ phiếu của khối BRIC đang tiến sát gần quyền phủ quyết. Đây mới chỉ là "sự khởi đầu mới" cho bước điều chỉnh tiếp theo trong cơ cấu ban lãnh đạo IMF nhằm mang lại cho tổ chức này tính hợp pháp trong thực thi công việc./.

Nguyệt Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục