Giới chức Thái Lan đang để ngỏ khả năng hoãn tổng tuyển cử

Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nói rằng chính quyền quân sự của nước này có thể hoãn tổng tuyển cử dự kiến vào năm sau nếu sự kiện chính trị này “gây tổn hại" tới lợi ích của đất nước.
Giới chức Thái Lan đang để ngỏ khả năng hoãn tổng tuyển cử ảnh 1Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Prawit Wongsuwan. (Nguồn: Thailand.mid.ru)

Ngày 25/11, truyền thông sở tại dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Prawit Wongsuwan nói rằng chính quyền quân sự của nước này có thể hoãn tổng tuyển cử dự kiến vào năm sau nếu sự kiện chính trị này “gây tổn hại" tới lợi ích của đất nước.

Dù khẳng định rằng kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2017 vẫn giữ nguyên, Phó Thủ tướng Prawit không loại trừ nguy cơ xuất hiện các yếu tố có thể khiến cuộc bầu cử bị hoãn.

Ông nhấn mạnh tình hình luôn thay đổi và chính quyền chủ trương tổ chức bầu cử nếu các điều kiện cho phép.

Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, chính quyền không nhất thiết phải tổ chức cuộc bầu cử có thể "gây hại" cho đất nước.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Prawit được đưa ra sau khi có các đồn đoán rằng cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2017 hoặc đầu 2018 có thể bị hoãn lại do sự kiện Nhà vua Bhumibol Abdulyadej qua đời.

Trước đó, ngày 23/11, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho biết tổng tuyển cử chắc chắn sẽ được tổ chức trong năm 2017, song việc thành lập một chính phủ mới có thể sẽ không diễn ra trong năm này.

Theo ông, việc tiến hành tổng tuyển cử trong năm 2017 là theo đúng lộ trình dân chủ ở nước này, song “các yếu tố không lường trước” có thể khiến việc lập chính phủ mới không được thực hiện.

Ông cho biết theo thể thức bầu cử mới, cử tri sẽ chỉ phải điền vào ​một phiếu cho cả danh sách ứng cử viên theo đơn vị bầu cử và theo đề cử của các đảng. Cũng theo thể thức mới này, chính đảng giành nhiều phiếu bầu nhất chưa chắc được quyền thành lập chính phủ.

Theo quy định của Hiến pháp mới vừa được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng Tám vừa qua, 10 đạo luật phái sinh phải được hoàn tất trong vòng 8 tháng sau khi Hiến pháp mới được ban hành.

Trong số các đạo luật này có 4 đạo luật quan trọng là luật về đảng chính trị, luật bầu cử hạ nghị sỹ, bổ nhiệm thượng nghị sỹ và lập Ủy ban Bầu cử.

Phó Thủ tướng Wissanu cho biết trong trường hợp các luật này được hoàn tất, chính phủ mới có thể thông báo về việc tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 5 tháng sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục