Giới chuyên gia đánh giá chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Nga-Trung

Các chuyên gia tham dự sự kiện của Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia nhìn chung đều nhất trí rằng chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế cả Nga và Trung Quốc có nhiều khiếm khuyết.
Giới chuyên gia đánh giá chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Nga-Trung ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Kremlin.ru)

Trang mạng russiamatters.org cho biết theo dự báo của các chuyên gia Mỹ và Nga - những người đã tham dự một sự kiện mới đây của Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục được duy trì, dù tất cả các ý kiến đều cho rằng đây là một chính sách không hoàn thiện.

Tuy nhiên, cũng có một số người tin rằng chính sách này sẽ không thể được duy trì. Trong khi đó, các đại biểu của Nga cho rằng Nga vẫn sẽ vẫn là một nhân tố độc lập - ngay cả khi đại dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đang đẩy nhanh tiến độ chuyển giao sang một trật tự thế giới lưỡng cực do Mỹ và Trung Quốc chi phối, bằng cách can dự với những nước không muốn đứng hẳn về phía Trung Quốc hay Mỹ.

Các chuyên gia tham dự sự kiện nhìn chung đều nhất trí rằng chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế cả Nga và Trung Quốc có nhiều khiếm khuyết.

Theo J. Stapleton Roy, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, chính sách kiềm chế này là “không cần thiết và gây thiệt hại." Trong khi đó, Paul Heer của Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (CFTNI) cho rằng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Mỹ cũng không có năng lực tiếp tục chính sách kiềm chế này của mình.

Tuy nhiên, cũng có một ý kiến đồng nhất giữa các đại biểu tham dự sự kiện rằng chính sách kiềm chế Nga-Trung của Mỹ có khả năng sẽ được duy trì, cho dù ai trở thành chủ nhân của Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đi chăng nữa.

Liên quan đến tương lai của mối quan hệ Nga-Trung, có một chút bất đồng ý kiến khi một số chuyên gia lập luận rằng quan hệ Nga-Trung đang thân thiết hơn so với mong muốn của Nga, và nó làm nổi bật hy vọng của Nga về việc duy trì cực độc lập.

Chẳng hạn, cựu đại sứ Mỹ Roy lập luận rằng cuộc khủng hoảng Ukraine 2014 đã tạo điều kiện để Mỹ đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc - một mức độ gần gũi nhiều hơn so với mong muốn của Nga.

Theo cựu đại sứ Mỹ Roy, “tại thời điểm hiện nay, quan hệ Trung-Nga đang rất mạnh mẽ và dựa trên nền tảng các lợi ích chiến lược chung và những cách tiếp cận tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể được coi là thân thiết không lành mạnh."

Cựu đại sứ Mỹ Roy giải thích rằng chính sự đối đầu của Nga với NATO xung quanh vấn đề Ukraine đã “buộc Moskva phải thỏa hiệp với các ưu tiên chiến lược của mình” trong các vấn đề như sự trỗi dậy về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sự can thiệp của nước này vào khu vực Trung Á.

[Lý do căng thẳng Mỹ-Trung sẽ hạ nhiệt trong năm 2021]

Thêm vào đó, chuyên gia Heer tin chắc rằng Nga không hài lòng với vị trí một “đối tác cấp dưới” của Trung Quốc, và khẳng định rằng Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đã gieo rắc những mầm mống của sự căng thẳng ở Moskva, bởi nó thể hiện mong muốn của Trung Quốc là xây dựng một phạm vi ảnh hưởng trong các khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga.

Theo chuyên gia Dmitry Suslov thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế Moskva, Trung Quốc nên được coi là một “siêu cường non trẻ đã hiện thực hóa được sức mạnh của mình, nhưng vẫn chưa học được cách hành xử."

Ông Suslov lập luận rằng vì cách hành xử này mà Nga muốn theo đuổi một cách tiếp cận “chủ động hơn” với Ẩn Độ, Tây Âu và Nhật Bản, đảm bảo vị thế của Nga là một trục độc lập.

Aleksey Maslov, giám đốc tạm quyền của Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cũng nhất trí với quan điểm này, cho rằng Nga “muốn đóng một vai trò độc lập” như một “trung tâm độc lập cho an ninh toàn cầu”

Giới chuyên gia đánh giá chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Nga-Trung ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản năm 2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trước những lo ngại này, một số chuyên gia duy trì quan điểm rằng đại dịch có thể dẫn tới một số cải thiện trong mối quan hệ Nga-Mỹ, cũng như có tiềm năng làm gia tăng những điểm mâu thuẫn Nga-Trung.

Chuyên gia Paul Heer lập luận rằng có một khả năng tái sắp xếp trong bộ ba này bởi cả Mỹ và Nga đang đoàn kết với nhau để “đối phó với cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng mà Bắc Kinh ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm nào đó."

Chuyên gia Heer cũng tin rằng Nga và Mỹ có chung “lợi ích sống còn” trong việc yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện những bước đi hướng tới một sự minh bạch và rõ ràng hơn trong những giải thích về nguồn gốc của virus corona chủng mới gây COVID-19 và cách ứng phó của Trung Quốc sau đó.

Chuyên gia Dmitry Suslov cũng cho rằng đại dịch đã đẩy nhanh sự nổi lên của một trật tự thế giới lưỡng cực với hai siêu cường đều mạnh hơn Nga rất nhiều, theo đó khiến Nga trở thành một cường quốc “thứ cấp."

Tuy nhiên, các chuyên gia khác nhìn chung đều không tin rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sẽ xấu đi đáng kể hay mối quan hệ của Nga với Mỹ hay của Trung Quốc với Mỹ có thể cải thiện.

Cựu đại sứ Mỹ Roy tin rằng vị thế siêu cường độc nhất của Mỹ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tạo ra những động lực để Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Ông cũng tin rằng những sai lầm chính sách của Mỹ trong việc xử lý các mối quan hệ với cả Moskva lẫn Bắc Kinh đã tạo điều kiện để quan hệ Nga-Trung được củng cố.

Chuyên gia Suslov thì lập luận rằng thay vì thay đổi các xu hướng toàn cầu một cách thực thụ, đại dịch đang “đẩy nhanh” các xu thế, có nghĩa là những diễn biến hướng tới một cuộc xung đột toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có khả năng sẽ được đẩy nhanh.

Tương tự, chuyên gia Maslov cũng cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều cảm thấy bị “xúc phạm” bởi tình trạng của các vấn đề toàn cầu hiện nay, và rằng trật tự thế giới “không công bằng” với cả hai nước này. Maslov chỉ ra thực tế rằng Nga và Trung Quốc có “rất nhiều suy nghĩ và cảm giác tương tự nhau."

Ông cũng kể ra một số vấn đề mà Nga và Trung Quốc không cùng chung lý tưởng, chẳng hạn như vị thế được công nhận là siêu cường toàn cầu của Nga hay như lập trường của Nga về BRI.

Nhưng nhìn chung, theo quan điểm của chuyên gia Maslov, hai nước này vẫn có rất nhiều điểm chung mà không thể tan biến trong "một sớm một chiều"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục