Giới hạn ‘tiêu tiền’ ở ví điện tử nhằm quản lý giao dịch bất hợp pháp?

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Thông tư số 392014/TT-NHNN, đại diện các bên nhìn chung còn băn khoăn về quy định hạn chế sử dụng số lượng ví điện tử, mức giao dịch có thể thấp hơn nhu cầu...
Việc đưa ra quy định các hạn chế trong dịch vụ trung gian thanh toán và ví điện tử là nhằm giảm thiểu những rủi ro của dịch vụ này. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Việc đưa ra quy định các hạn chế trong dịch vụ trung gian thanh toán và ví điện tử là nhằm giảm thiểu những rủi ro của dịch vụ này. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc đưa ra các quy định hạn chế về dịch vụ trung gian thanh toán và ví điện tử là nhằm giảm thiểu những rủi ro của dịch vụ này, vì có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước chia sẻ như vậy tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 10/5.

Nhiều ràng buộc

Cụ thể, Dự thảo Thông tư sửa đổi có nhiều quy định đưa ra để quản lý hoạt động của các trung gian thanh toán và ví điện tử, bao gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức) hay yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.

[Kiểm toán Nhà nước: Trốn thuế, gian lận thuế ngày càng phức tạp]

Thêm vào đó, Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thông qua tài khoản ngân hàng. Và, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép Ngân hàng Nhà nước theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch. Thông tư sửa đổi cũng đưa vào các cơ chế mới trong bù trừ điện tử.

Theo ông Dũng, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử giữa các ngân hàng trong tương lai. Ông Dũng cũng khẳng định những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) trong phát triển thanh toán điện tử cho dịch vụ công và khẳng định chính sách của Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu khuyến khích thanh toán điện tử phát triển.

“Ngân hàng Nhà nước đã trình đề án về tiền điện tử (mobile money) lên Chính phủ và đang lấy ý kiến các bộ ngành về cơ chế thử nghiệm (sandbox) trong công nghệ tài chính,” ông Dũng nói.

Trên thực tế, lĩnh vực trung gian thanh toán trong thời gian qua đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và nền kinh tế số tại Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI nhấn mạnh, thanh toán là khâu then chốt trong mỗi giao dịch kinh tế, do đó hoạt động thanh toán phát triển mạnh mẽ và bền vững hay không phụ thuộc việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này. 

“Việc hoàn thiện Dự thảo thông tư hết sức quan trọng, một mặt cần đảm bảo an toàn cho người dùng nhưng mặt khác cũng cần tạo thuận lợi để giao dịch trực tuyến phát triển theo định hướng của Chính phủ,” ông Tuấn nói.

Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính – Ngân hàng, Công ty Ernst&Young Việt Nam phát biểu:

Ví điện tử chỉ được dùng cho giao dịch nhỏ?

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã đề xuất một số kiến nghị cần có cơ chế cởi mở để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) thẳng thắn đưa ra những quan ngại, về tính tương thích của Dự thảo với chủ trương của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, giảm bớt rào cản để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, khi quan điểm của Ban soạn thảo cho rằng ví điện tử chỉ được dùng cho giao dịch nhỏ.

Theo ông Tuấn, khung khổ pháp lý hiện chưa có quy định về vấn đề này và việc đặt điều kiện kinh doanh mới thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Và, Chính phủ đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ CP về thanh toán không dùng tiền mặt, do đó Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc thời điểm ban hành Thông tư sửa đổi cho hợp lý.

Với quy định hạn mức giao dịch ví điện tử, đa số các ý kiến tỏ ra băn khoăn về cơ sở pháp lý và tính thực tế của nó.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người đồng thời nhu cầu tiêu dùng cá nhân đang gia tăng rất nhanh.

Giới hạn ‘tiêu tiền’ ở ví điện tử nhằm quản lý giao dịch bất hợp pháp? ảnh 1Nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế cởi mở để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Trần Quang Huy cho rằng, bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng và họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

Đánh giá về hoạt động thương mại điện tử nói chung, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, mặc dù lĩnh vực này có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua song thanh toán điện tử vẫn đang là điểm nghẽn. Vì vậy, cơ quan quản lý nên quan tâm đến các có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế.

Ông này tỏ ra băn khoăn, quy định mới có hạn chế mỗi người dùng chỉ được sử dụng 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng. Trong khi vào thực tiễn, người dùng vẫn có nhu cầu nhiều tài khoản kết nối ví điện tử khác nhau để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng, giao dịch khác nhau.

Cho rằng quy định liên quan đến cơ chế xác thực người dùng là vấn đề cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tuy nhiên, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính – Ngân hàng, (Công ty Ernst&Young Việt Nam), ngân hàng hiện đang chi phí bình quân cho thu thập thông tin 300.000 đồng/tài khoản và cộng thêm các chi phí lưu trữ, quản lý phát sinh theo thời gian. Do đó, việc cơ quan soạn thảo yêu cầu doanh nghiệp trung gian thanh toán phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, thậm chí điều này còn gây ra phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.

“Giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp trung gian thanh toán có thể chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng,” bà Dương nói.

Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp trung gian thanh toán và ví điện tử như Payoo, ZaloPay, FPT Pay, MoMo, Moca, VinID cũng nêu lên những băn khoăn về công nghệ, kỹ thuật… trong Dự thảo để cơ quan soạn thảo cân nhắc trước khi trình ban hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục