"Dọa dẫm để dương oai”

Giới phân tích: “Triều Tiên dọa để giễu võ dương oai”

Giới phân tích cho rằng những lời đe dọa lớn tiếng của Triều Tiên về một cuộc chiến tranh hạt nhân xem ra hơi thái quá.

Giới phân tích cho rằng những lời đe dọa lớn tiếng của Triều Tiên về một cuộc chiến tranh hạt nhân xem ra hơi thái quá. Trên thực tế, chúng được đưa ra nhằm "giễu võ dương oai" với người dân trong nước, những người vốn luôn bị ám ảnh về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Mỹ.

 

Mặc dù những tuyên bố hùng hồn, hiếu chiến của Bình Nhưỡng đã đạt đến mức đáng báo động khiến cả thế giới phải chú ý, song dường như từ khi sinh ra, người dân Triều Tiên đã quen với kiểu tuyên truyền "diễn ra như cơm bữa" này. Những chiến dịch tuyên truyền đó vẽ lên bức tranh về một nước Triều Tiên bị bao vây bởi những kẻ thù có âm mưu thâm độc, trong đó dẫn đầu là Mỹ, có xu hướng xâm lược và nô dịch hóa Triều Tiên.

 

Những vấn đề như thiếu lương thực ở Triều Tiên được đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt bất công mà phương Tây áp đặt nhằm làm suy yếu nước này, để lấy đó làm cái cớ khiến Triều Tiên phải tập trung toàn lực cho vấn đề phòng thủ quốc gia nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến cuối cùng mang tính quyết định có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

[4 lý do không thể có chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên]

 

Chính vì lẽ đó, những lời đe dọa và cảnh báo gay gắt của Bình Nhưỡng được cho là hoàn toàn hợp lý, và những tuyên bố cường điệu về khả năng tấn công hạt nhân của Triều Tiên - trong bối cảnh không có bất kỳ thông tin trái chiều nào - được dư luận Triều Tiên hoàn toàn tin. Daniel Pinkston, chuyên gia về Triều Tiên của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận xét: "Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng thừa biết đây là một sự lố bịch, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn cứ mải mê kích động dân chúng trong nước".

B.R. Myers, chuyên gia về các kiểu tuyên truyền của Triều Tiên và là giáo sư nghiên cứu các vấn đề quốc tế của trường Đại học Dongseo ở Busan (Hàn Quốc), tin rằng Bình Nhưỡng đang lợi dụng tình trạng căng thẳng hiện nay để kích động người dân hướng cơn thịnh nộ của họ vào Mỹ.

Trao đổi với tờ Thời báo New Yorl (Mỹ), ông nói: "Chính quyền (Bình Nhưỡng) không còn khả năng kích động người dân bằng những viễn cảnh cụ thể và đáng tin về một tương lai xã hội chủ nghĩa, vì vậy, họ phải tìm cách biến người dân thành một lực lượng phụ thuộc vào quân đội. Tất cả những nơi làm việc đều là 'chiến trường', và tất cả lực lượng lao động sẽ tiếp sức cho đất nước để đi đến thắng lợi cuối cùng là thống nhất".

 

Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên cho biết hầu hết người dân luôn sống trong trạng thái chiến tranh. Oh Ji-Heon, người đã trốn khỏi Triều Tiên năm 2010, nói với trang web "Trọng tâm Quốc tế Mới" do những người đào tẩu lập ra: "Mọi lúc mọi nơi, tất cả chúng tôi đều sống trong tình trạng chiến tranh. Vào mùa xuân, đó là 'cuộc chiến trồng lúa'. Vào mùa hè, đó là 'cuộc chiến nhổ cỏ'. Vào mùa thu, đó là 'cuộc chiến thu hoạch' và vào mùa đông là 'cuộc chiến câu cá'. Mỗi mùa đều mang đến một kẻ thù mới để chúng tôi chinh phục".

[Báo Hàn Quốc: Vì sao Kim Jong Un tăng căng thẳng?]

 

Việc Triều Tiên liên tục củng cố cuộc chiến tranh lâu dài này đồng nghĩa với việc bên trong nội bộ nước này, mối liên kết giữa cuộc sống thường nhật của người dân và những lời nói huyênh hoang khoác lác của chính quyền nhằm chống Washington và Seoul không bao giờ bị gián đoạn.

 

Chính quyền này đã nỗ lực rất lớn để đẩy tinh thần dân tộc lên mức đỉnh điểm trong những sự kiện có thể tạo cơ hội then chốt nhằm phát đi thông điệp với người dân về một đất nước can đảm, bị bao vây nhưng vẫn đoàn kết chống lại kẻ thù chung.

Nhà quan sát tình hình Triều Tiên Andrei Lankov, Giáo sư của trường Đại học Kookmin ở Seoul, nói: "Điểm mấu chốt là người dân Triều Tiên ít nhiều đều tin vào chính quyền. Ngay cả những người còn hoài nghi cũng đều vô cùng tự hào về đất nước của họ và tin rằng họ chính là nạn nhân của một âm mưu của Mỹ, và họ đang phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công".

 

Để duy trì tâm lý này, ban lãnh đạo Triều Tiên không chỉ dựa vào chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ rộng khắp mà còn siết chặt các nguồn cung cấp thông tin. Mặc dù công nghệ mới - điện thoại di động và các máy nghe nhạc MP3 lậu - đã giúp đưa thông tin từ bên ngoài vào nước này, song người Triều Tiên vẫn phải sống trong một xã hội bị kiểm soát và cô lập nhất trên hành tinh.

 

Giáo sư Lankov nói: "Rất dễ để nhận thấy chiến dịch tuyên truyền của Triều Tiên mang tính hoang tưởng, đặc biệt là khi nó ở mức như hiện nay. Người Triều Tiên không hoang tưởng hoặc ảo giác. Chẳng qua là họ không được tiếp cận với thế giới bên ngoài".

 

Các tuyên bố hùng hồn của Triều Tiên đã bị đẩy lên mức cao mới với những lời đe dọa mới về một cuộc chiến tranh "hạt nhân" và những lời cảnh báo người nước ngoài đang sống tại Hàn Quốc rằng họ nên cân nhắc việc rời khỏi đây vì sự an toàn của chính mình. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy bầu không khí chung bên trong nước này đã thay đổi khi các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt.

 

Các nguồn tin ở Triều Tiên được báo mạng Daily NK do những người đào tẩu lập ra dẫn lời cho biết đến cuối tháng trước, trên các đường phố vẫn xuất hiện những người công nhân và nông dân được vũ trang và mặc quân phục. Nguồn tin trên cho biết: "Nhưng hiện giờ, chỉ còn những người công nhân cầm xẻng, được huy động để sản xuất phân bón cung cấp cho các trang trại. Ngay cả những người lính lúc trước sống dưới lòng đất trong các dãy núi hiện cũng đã quay trở lại các doanh trại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục