Giữ gìn, bảo tồn di sản Nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào Tây Bắc

Thời gian qua, đồng bào dân tộc Thái đã duy trì phát triển điệu xòe trong các lễ hội truyền thống, cưới hỏi, từ đó, tạo sức hút trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Giữ gìn, bảo tồn di sản Nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào Tây Bắc ảnh 1UNESCO vinh danh Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

Nghệ thuật xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng.

Múa xòe đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Từ bao đời nay cộng đồng người Thái ở Lai Châu vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp này.

Hồn cốt văn hóa người Thái

Cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, xã Mường So, huyện Phong Thổ được coi là cái nôi của đồng bào dân tộc Thái trắng với điệu xòe Thái làm say đắm du khách, được ví như nhạc suối róc rách, tâm hồn con người rộng mở với những điệu xòe hòa trong tiếng trống, chiêng, tính tẩu rộn rã trong ngày hội bản mường.

Nói về nguồn gốc sự ra đời của những điệu xòe, cụ Tao Thị Phè ở bản Hổi Én, xã Mường So - người trong đội múa xòe chuyên biểu diễn phục vụ quan khách của vua Thái Đèo Văn Ân trước đây kể lại: Vùng đất Mường So xưa gồm các xã Bản Lang, Khổng Lào và Mường So, huyện Phong Thổ được biết đến là nơi phát tích các làn điệu xòe Thái cổ.

Khoảng năm 1946, khi vua Thái Đèo Văn Ân lên làm Tỉnh trưởng Phòng Tô quản lý 6 châu là Mường Khương, Cốc Lếu, Mường Chăn, Mường Than, Mường Lự và Mường So, lúc đó đội xòe nghiệp dư châu Mường So có khoảng 20 người ở độ tuổi từ 12 đến 15.

Đây là những người đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các bản làng để mỗi khi Tỉnh trưởng có khách cấp trên về hoặc vào dịp lễ tết là đội xòe được triệu tập đi múa phục vụ.

Lúc đầu múa xòe cũng rất đơn giản, không theo một quy trình nào cả, được phối với nhiều đạo cụ như xoỏng, quạt, khăn, nón… dần dần điệu múa được nâng cao chất lượng và biểu diễn cũng chuyên nghiệp hơn.

Theo già làng trong xã, xòe xuất phát từ đời sống sinh hoạt lao động, tập tục, tín ngưỡng của đồng bào Thái và được biết đến với 36 điệu xòe cổ với nét đặc trưng của nghệ thuật dân vũ Thái.

Cứ mỗi độ xuân sang, phụ nữ Thái nơi đây lại sắm cho mình những bộ váy áo cóm mới để say với những điệu xòe. Nổi bật nhất là các điệu xòe du xuân như: xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe vòng… Nhưng phổ biến nhất là xòe vòng.

Các động tác múa cơ bản là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Điệu xòe làm cho con người sảng khoái, thân thể vận động dẻo dai hơn.

Giữ gìn, bảo tồn di sản Nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào Tây Bắc ảnh 2Điệu múa xòe truyền thống của người Thái. (Ảnh: TTXVN)

Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Theo năm tháng, điệu xòe đã trở thành món ăn văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái.

Người Thái múa xòe không chỉ để thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên mà còn thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc.

Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động nhưng cũng đậm tính xã hội. Đặc biệt, xòe Thái có tính bình đẳng rất cao, khi đã vào vòng xòe, không còn phân biệt giàu nghèo, già hay trẻ.

Bà Mào Thị Ổn, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi bản Vàng Pheo, xã Mường So chia sẻ không biết điệu xòe cổ có từ bao giờ mà chỉ biết rằng từ đời ông bà, tổ tiên đã có xòe và được trao truyền một cách tự nhiên qua các thế hệ.

Xòe được thực hành trong nhiều hoạt động lễ hội của cộng đồng. Sau một thời gian vất vả với công việc đồng áng thì các bà, các mẹ, chị em trong bản lại tay trong tay với những điệu xòe. Không biệt lớn tuổi hay nhỏ tuổi, khi vào vòng xòe ai cũng thấy tình cảm con người gắn bó, vui vẻ hơn.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ cho biết vùng đất Mường So, Khổng Lào được xác định là cái nôi của văn hóa dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu. Trong tất cả hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Thái, vòng xòe là hồn cốt của mọi hoạt động.

Thời gian qua, đồng bào dân tộc Thái đã duy trì phát triển điệu xòe trong các sự kiện như lễ hội truyền thống, cưới hỏi. Qua đó, vòng xòe ngày được vun đắp, nâng cấp quy mô và thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, nâng tầm vòng xòe, tạo sức hút trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.

Gìn giữ, bảo tồn di sản dân tộc

Xã Mường So hiện có 3 dân tộc sinh sống, trong đó người Thái chiếm 70%. Những năm qua việc bảo tồn văn hóa Thái nhất là điệu xòe đã được chính quyền địa phương và nhân dân gìn giữ, phát huy.

Hiện nay, các bản làng trong xã đều có các đội múa xòe ở các lứa tuổi với hơn 30 đội văn nghệ. Nhờ những đội văn nghệ này đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái nơi đây.

Ông Bùi Quang Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường So, huyện Phong Thổ cho hay là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trắng, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được cấp ủy Đảng, chính quyền xã và bà con nhân dân chung tay đoàn kết giữ gìn bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, tại bản văn hóa du lịch cộng đồng Vàng Pheo, vào dịp đón các đoàn khách du lịch, các đội văn nghệ đều tập trung đến giao lưu văn hóa văn nghệ và thể hiện điệu múa xòe, từ đó, tạo sự háo hức cho du khách chung vui với bà con.

[Đặc sắc nghệ thuật múa Xòe truyền thống của người dân tộc Thái]

Theo ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ, toàn huyện có 11 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Thái chiếm hơn 20%, sống tập trung tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Xác định điệu xòe là cốt lõi trong các hoạt động dân tộc Thái, huyện đã xây dựng đề án phát triển văn hóa dân gian trên địa bàn huyện Phong Thổ gắn với du lịch.

Thời gian tới, huyện sẽ rà soát tất cả bản, làng, động viên bà con thường xuyên tổ chức thực hiện vòng xòe; tổ chức một số hoạt động để khôi phục lại các lễ hội cũng như triển khai các sự kiện văn hóa; lồng ghép với các hoạt động vui chơi tạo nên sức hút vòng xòe nhằm quảng bá, thu hút du khách đến với vòng xòe Tây Bắc và Phong Thổ.

Giữ gìn, bảo tồn di sản Nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào Tây Bắc ảnh 3Các cô gái Thái tham gia điệu xoè truyền thống. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, dân tộc Thái ở Lai Châu chiếm khoảng 32%, tập trung đông nhất ở các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ. Những năm qua, việc bảo tồn di sản Nghệ thuật xòe Thái đã được tỉnh Lai Châu chú trọng.

Tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật xòe Thái, ưu tiên truyền dạy các điệu xòe cổ cho các bản, các đội văn nghệ.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại, đây niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc Việt Nam nói chung, của cộng đồng dân tộc Thái Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lai Châu nói riêng.

Để di sản nghệ thuật xòe Thái tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống xã hội, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật xòe Thái.

Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; xây dựng, duy trì hoạt động các đội văn nghệ truyền thống, các câu lạc bộ sinh hoạt nghệ thuật xòe Thái trong cộng đồng gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Để Nghệ thuật Xòe Thái tiếp tục được bảo tồn, lan tỏa, phát huy giá trị, tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chỉ đạo, định hướng cụ thể trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo các yêu cầu, cam kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục