Giúp DN vượt khó: Cần giải pháp đi vào cuộc sống

Kinh tế khó khăn, cộng với sức mua của người tiêu dùng suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp phải chật vật để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy việc tiếp sức cho doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho đang được đề ra hết sức cấp thiết.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, không có nhiều thời gian để chờ các giải pháp triển khai tuần tự và sẽ tập trung hỗ trợ tất cả doanh nghiệp.
Kinh tế khó khăn, cộng với sức mua của người tiêu dùng suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp phải chật vật để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, việc tiếp sức cho doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho là những vấn đề cấp bách được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị "Góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/7.

Nhận diện khó khăn

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày... đều có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cũng đang có xu hướng giảm sút đã tác động không nhỏ đến kết quả sản xuất cũng như xuất khẩu những tháng cuối năm.

Đơn cử, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất trong sáu tháng qua tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2011, giá sản phẩm bán ra của nhà máy cũng tăng 13,41%. Đồng thời, do kinh tế khó khăn, sức mua trong nước giảm mạnh, chỉ số hàng tồn kho cao, tính đến đầu tháng Sáu tăng 26% so với cùng kỳ năm 2011.

"Dù các doanh nghiệp bán lẻ đã dùng nhiều biện pháp khuyến mãi, giảm giá nhưng lượng hàng tiêu thụ vẫn chậm," ông Vỵ phân tích.

Theo đánh giá tại hội nghị, ngoài những khó khăn về thị trường thì rào cản về vốn vay, lãi suất ngân hàng cao... đang là một trong những nguyên nhân chính khiến sức bật của nhiều doanh nghiệp bị giảm sút.

Bà Phạm Ngọc Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho hay, việc chỉ số mua sắm những tháng đầu năm có dấu hiệu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chủ yếu là bán hàng tồn kho trong khi sản xuất không tăng là một điều đáng lo ngại.

"Mặc dù rất cần hỗ trợ nhưng đáng tiếc là vốn ưu đãi vẫn rơi vào các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn nằm ngoài hệ thống," bà Hằng nêu ý kiến.

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thì hoạt động của một trong nhiều tập đoàn lớn như Petrolimex cũng không phải ngoại lệ, ông Nguyễn Quang Dũng, Trưởng ban Chiến lược và đầu tư Petrolimex bày tỏ, tổng nhu cầu nhập khẩu xăng dầu của Petrolimex trong nửa đầu năm nay đã giảm 16% so với cùng kỳ.

Theo ông Dũng, với tình hình như vậy, cần có sự ổn định về chính sách tỷ giá nhằm giúp các doanh nghiệp vay ngoại tệ ngân hàng hạn chế được rủi ro.

Bên cạnh đó, đối với các khoản thuế và phí, cần tiến tới giữ ổn định, đồng thời có chính sách cụ thể giúp các doanh nghiệp khơi thông vốn vay với các tổ chức tín dụng.

Chính sách phải đi ngay vào cuộc sống

Theo dự báo, những tháng cuối năm, sự phục hồi kinh tế còn diễn ra chậm, do vậy, nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị cũng cho rằng việc đưa ra một giải pháp tổng thể và nhanh chóng đưa vào cuộc sống thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2012 mới hy vọng đạt được.

"Chúng ta vẫn chưa biến được những thách thức của thế giới thành cơ hội cho trong nước. Nhiều FTA với các thị trường lớn vẫn chưa tận dụng triệt để. Cần có đề án kinh tế đối ngoại để đón đầu cơ hội," Giáo sư Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nêu ý kiến.

Trước những đóng góp nêu ra tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, dù những khó khăn trong sản xuất đã từng bước được tháo gỡ nhưng hiện nay nền kinh tế vẫn còn tồn đọng nhiều thách thức.

Tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ bằng 46% cùng kỳ 2011. Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do không tiếp cận được tín dụng, vì lãi suất cao, không đáp ứng được điều kiện vay...

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, những khó khăn trên xuất phát từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới có nhiều bất ổn còn nguyên nhân chủ quan là xuất phát từ yếu kém của nền kinh tế trong nước thời gian qua. Cộng với đó, doanh nghiệp chưa chủ động để ứng phó với những bất ổn, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư dàn trải và chưa tập trung vào ngành chính.

Do vậy, ngay sau hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp để trình Chính phủ cũng như gửi cho các bộ ngành để xem xét và ban hành những giải pháp cụ thể gỡ khó cho các doanh nghiệp.

"Chúng ta không có nhiều thời gian để chờ các giải pháp được triển khai tuần tự, cần có những cách làm để chính sách đi ngay vào cuộc sống. Còn mục tiêu của đề án là tập trung cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế trong nước hay ngoài nước, quy mô lớn hay nhỏ, sản xuất hay thương mại," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ thúc đẩy nhanh các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã phê duyệt nhằm tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có chính sách kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn.

Riêng về xuất khẩu, Bộ Công Thương đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự nỗ lực, chủ động hơn để tìm giải pháp cho mình chứ không chỉ phụ thuộc vào Chính phủ và các bộ ngành được," Bộ trưởng nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục