Những phụ nữ dân tộc Thái tại bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông; tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An bằng cách này hay cách khác đang đưa những sản phẩm lợi thế, đặc sản địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để phát triển kinh tế đồng thời mong muốn quảng bá sản phẩm vươn xa.
Phụ nữ Thái làm du lịch cộng đồng
Hơn 4 giờ chiều, gian bếp tại Homestay số 1 Hoa Thụ của chị Lô Thị Hoa, bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã nổi lửa chuẩn bị bữa ăn hàng chục món đặc sản dân tộc Thái cho đoàn khách du lịch Hà Nội.
Chị Hoa cũng đã báo tin cho Câu lạc bộ dân ca Thái bản Nưa để các chị em chuẩn bị buổi tối biểu diễn các tiết mục văn nghệ và mời khách rượu cần.
Chị Hoa cũng không giấu niềm vui chia sẻ, Homestay số 1 Hoa Thụ đã được tỉnh Nghệ An chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
“Máu làm du lịch ăn sâu trong chị, năm 2011 chị được huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho đi tập huấn làm du lịch cộng đồng, cộng với xem những chương trình du lịch trên đài truyền hình, thấy những gì có thể phát triển được là chị tìm đến học hỏi và áp dụng,” chị Hoa cho biết.
Chị cũng chủ động tìm đến Chương trình OCOP, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê với 33 hộ trong bản làm dịch vụ du lịch cộng đồng.
Để có homestay như hôm nay, chị Hoa được mời tham gia Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp của tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và được đào tạo cách làm du lịch cộng đồng, các kỹ năng phục vụ khách…
[Nâng tầm những quả cam đặc sản, nghiên cứu đầu tư các chế phẩm]
Điều quan trọng của homestay là cơ sở hạ tầng gồm nhà sàn có thể phục vụ du khách ăn, nghỉ, khu nhà tắm, vệ sinh thì chị Hoa đã được dự án hỗ trợ.
Bản Nưa êm đềm, xanh mát từ khi có 4 homestay; trong đó có 1 homestay của chị Hoa, đã trở nên nhộn nhịp với những đoàn khách đến trải nghiệm.
Có đoàn khách nghỉ lại tại homestay, có đoàn nghỉ tại Khách sạn Mường Thanh cách bản chưa đến chục km cũng chọn bản Nưa để khám phá dịch vụ ăn uống, văn hóa văn nghệ.
Trải nghiệm homestay tại Bản Nưa, du khách có thể ngắm cảnh quan tại nơi nghỉ ngơi với những vườn hoa xinh xắn được chăm sóc cẩn thận, dạo quanh bản Nưa yên bình rợp bóng cây lá với thấp thoáng những mái nhà sàn cổ, làn khói lam chiều.
Du khách đến được thưởng thức những món ăn dân tộc như tôm suối chiên giòn, cá suối hong (hấp), mọc mềm nhuyễn hòa quện thịt, rau củ, gạo nếp nắm lại, bọc trong lá chuối, ninh nhừ, phảng phất hương vị bánh chưng của người Kinh; cơm lam nướng; thịt gà xiên lá chanh nướng lửa than; xôi cẩm, canh Khầu khiều…
Đặc biệt thực phẩm cho bữa ăn đều là các sản phẩm sạch đánh bắt tự nhiên hoặc trồng trong vườn nhà.
Trong bữa ăn, du khách được những phụ nữ duyên dáng trong trang phục Thái đến từng mâm, giới thiệu từng món ăn dân tộc, mời rượu. Cũng chính trang phục này, buổi tối dưới sân nhà sàn các chị biểu diễn các bài hát, điệu múa dân tộc, mời khách múa xòe, uống rượu cần.
Chị Hoa cho biết, làm du lịch đúng là rất khó với đồng bào dân tộc chỉ quen ngày làm ruộng, tối về xem tivi nhưng khi được hướng dẫn đào tạo từng việc như nấu ăn; uốn nắn từng điệu múa, chỉ dẫn khách nơi ăn, nghỉ; các dịch vụ homestay… họ đều làm được.
“Làm du lịch mình được tìm hiểu văn hóa mọi miền, được mặc đẹp đẽ, sạch sẽ hơn, phong cách chỉn chu hơn và có thêm thu nhập nên rất vui,” chị Lương Thị In, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê vui vẻ nói.
Mong muốn của chị Hoa, chủ Homestay Hoa Thụ 1 là khi đã được công nhận sản phẩm OCOP thì mô hình này sẽ tiếp tục được quảng bá, giới thiệu, thu hút thêm khách du lịch.
Từ đó mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng tới các hộ khác để tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập người dân trong bản.
“Các chị em chỉ học lớp 3, lớp 5 nên quảng bá chỉ dừng ở mức độ liên kết với các công ty du lịch, đăng giới thiệu mô hình trên zalo, còn trang web cũng chưa có. Hiện mô hình cũng chưa được chính quyền huyện hỗ trợ nhiều về quảng bá,” chị Hoa cho biết.
Nói về Chương trình OCOP tại địa phương, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư huyện ủy Con Cuông cho biết, huyện đã xây dựng hai bản làng đạt sản phẩm OCOP 3 đến 4 sao, đó là bản du lịch cộng đồng - bản Nưa thuộc xã Yên Khê và bản Khe Rạn, xã Bồng Khê.
Ngoài sản phẩm du lịch, huyện xây dựng thương hiệu ngành nông nghiệp sạch với các sản phẩm dược liệu đạt 5 sao như cà gai leo, dây thìa canh, đậu lăng.
Với các tiềm năng của huyện, huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tạo thương hiệu sản phẩm OCOP, giúp xoá đói giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn.
Huyện cũng quan tâm quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua tổ chức hội thảo với ngành du lịch, nông nghiệp của tỉnh và các tỉnh bạn; xây dựng catalog về huyện Con Cuông cũng như các sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng của huyện cũng như các sản vật địa phương.
Kỳ công những chiếc bánh gai nhỏ
Trên Quốc lộ 1 đoạn dốc Dừa xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nhiều xe khách biển số Nghệ An, Hà Nội tấp vào quán ven đường để mua các sản vật địa phương như bánh gai, kẹo chè lam, bánh cu đơ về làm quà.
Nhanh tay sắp bánh cho khách, chị chủ quán tươi tắn giới thiệu các sản phẩm là gia truyền, không sử dụng chất bảo quản và chị đang theo học lớp tập huấn để đưa sản phẩm lên OCOP.
Hỏi ra chị tên là Bùi Thị Lan là Giám đốc Hợp tác xã Bánh gai xứ Dừa Tường Sơn. Quan sát quán hàng của chị đơn giản chỉ lợp mái tôn, bầy bán những sọt nhựa bánh gai, các chồng bánh cu đơ, chè lam ít ai nghĩ đó là cửa hàng bán sản phẩm ngơi của một cơ sở sản xuất thuộc hợp tác xã với 14 thành viên.
Chị Lan cho biết, chị đang theo học lớp tập huấn để đưa sản phẩm bánh gai xứ Dừa lên OCOP. Qua 3 buổi tập huấn chị thấy sản phẩm của mình có tiềm năng bởi là sản phẩm truyền thống của địa phương, sản xuất bằng nguyên liệu tại Anh Sơn và các vùng lân cận, được Sở Khoa học Môi trường tỉnh khảo sát, nhiều lần lấy mẫu và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
“Điều tôi băn khoăn hiện nay là nguyên liệu còn bấp bênh bởi vỏ bọc bánh là lá chuối rừng tự khô trên cây, lá gai- thành phần không thể thiếu của bánh sẽ khan hiếm nếu thời tiết nắng hoặc mưa bão. Bánh không bảo quản được nhiều ngày do không dùng chất bảo quản,” chị Lan nói.
Hiện cơ sở bánh gai của chị Lan mỗi ngày sản xuất từ 3.000-4.000 cặp bánh (mỗi cặp 2 chiếc). Bánh được làm bằng gạo nếp, lá gai, đỗ xanh, dừa tươi nên chỉ bảo quản nhiệt độ thường 2-3 ngày. Vì vậy, sản phẩm không có khả năng tiêu thụ đi các tỉnh xa hoặc xuất khẩu.
Quy trình sản xuất bánh từ xay gạo, giã lá gai, nghiền đậu xanh, gói, hấp bánh đều làm thủ công bởi giá bán bánh rẻ chỉ 2.500 đồng/cặp. Giá bán này cũng phù hợp khả năng người dân quanh vùng và nhu cầu phần lớn khách đi du lịch làm quà.
“Điều tôi mong muốn nhất là hợp tác xã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài để trồng lá gai, chủ động nguồn nguyên liệu,” chị Lan chia sẻ.
Chị Lan cho biết cũng tính đến sẽ phát triển đa dạng kích cỡ bánh gai để đáp ứng nhu cầu khách hàng mua về làm quà và hy vọng sản phẩm bánh gai xứ dừa sẽ được nhiều nơi biết đến khi được trở thành sản phẩm OCOP./.