Tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng hàng hóa trong nước duy trì mức tăng hơn 5% trong quý đầu năm dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Điều này cho thấy, thị trường trong nước đã phát huy vai trò “bệ đỡ”, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Hàng Việt giữ thị phần cao
Qua hơn 11 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới nay (từ năm 2009), hàng Việt được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ rất cao.
Điển hình như tại hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart, Vissan, Vinmart, BRG Retail… hàng hóa trong nước chiếm tỷ lệ 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.
[Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19]
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail ở Việt Nam (đơn vị quản lý, vận hành chuỗi đại siêu thị GO!/Big C) cho biết doanh nghiệp luôn đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại; đồng thời luôn đồng hành với doanh nghiệp trong nước.
"Hiện nay, Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%," bà Vân nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội), nhiều năm qua, Công ty mẹ là Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) có chính sách ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt Nam.
Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cung ứng cho hệ thống siêu thị của Saigon Co.op…
Thực tế cho thấy, các ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, nông-thủy sản… đã đẩy mạnh đầu tư để tăng thị phần ngay tại nội địa.
Đánh giá của nhiều người tiêu dùng cho thấy chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm trong nước ngày càng nâng cao, trong khi giá cả cũng phù hợp.
Đặc biệt, trong quý 1/2021, bất chấp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.033,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng khích lệ, có sự đóng góp không nhỏ của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các nhà bán lẻ lớn đã chủ động dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khi diễn biến dịch bệnh phức tạp để tăng lượng hàng dự trữ. Nhờ đó, hàng hóa lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu,” đại diện Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay.
Đẩy mạnh kết nối
Tuy đang chiếm tỷ lệ lớn trong các kênh phân phối, song theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, việc thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP… cũng tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh cho hàng Việt.
Chính vì vậy, việc đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, giảm giá thành hàng hóa, tăng cường quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại; đa dạng sản phẩm cho từng phân khúc thị trường... là những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần đặt lên hàng đầu.
Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần đầu tư để sản xuất ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, mang lại nhiều lợi ích cho người mua.
Còn theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa thương mại với sản xuất, kết nối cung cầu và bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng sẽ là “chìa khóa” để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Trong khi đó, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu của đề án là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% tại các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa)...
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới hơn 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam; 70% doanh nghiệp tham gia phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. 100% địa phương nhân rộng mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”…
Để phát triển thị trường trong nước, đồng thời giữ thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối, Đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách chủ yếu, gồm: hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng…
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội lưu ý, thời gian tới các đơn vị thành viên cần tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, sản phẩm OCOP... để từ đó nâng cao chất lượng cuộc vận động.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân, tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại lợi ích người tiêu dùng.../.