Gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong bối cảnh dịch bệnh

Theo khảo sát của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Định, bình quân có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.
Gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 1Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp trực tuyến với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 7/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết bộ sẽ đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tương đương so với năm 2020, khoảng trên 15% do có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng Sáu, Bảy, Tám giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8 đạt 949 triệu USD, giảm 34,5% so với tháng 7 và giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7 % so với cùng kỳ năm 2020. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy bình quân có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất. Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.

Nhưng những doanh nghiệp này đang đối diện nguy cơ phá sản do phải trả chi phí cao. Riêng chi phí để duy trì sản xuất tăng khoảng 20-30%. Doanh nghiệp rất khó cầm cự và cũng không đủ nguồn lực để trả các khoản vay đến hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Bình Dương, đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động ngành gỗ từ vị trí 13 lên mức 8 trong bảng ưu tiên tiêm vaccine của Bộ Y tế. Nếu không điều chỉnh tiêu chuẩn này thì việc phân bổ vaccine ở các địa phương vẫn phải đi theo quy chế cũ.

Ông Điền Quang Hiệp đề nghị Bộ có đề xuất với Chính phủ cho người lao động được tiêm phòng để sớm quay trở lại sản xuất.

[Xuất khẩu gỗ liệu có tiếp đà giảm trong những tháng cuối năm?]

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng, kế hoạch sản xuất, đồng thời giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là hỗ trợ nguồn tài chính mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch.

Ông Đỗ Xuân Lập đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”… tùy theo tình hình thực tế. Các sở y tế nên nhanh chóng tổ chức hướng dẫn đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp những kiến thức cơ bản trong phòng chống dịch; cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vaccine và thực hiện nghiêm túc 5K.

Gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 2Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Các tổ chức tín dụng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay, đồng thời giãn nợ gốc và trả lãi từ 6-12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong thời gian qua. Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần đó, vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo an toàn, tận dụng những lợi thế, cơ hội của thị trường rộng mở và có nhu cầu cao về đồ gỗ hiện nay.

"Những khó khăn, thách thức hiện nay cũng cho thấy các cơ hội thời gian tới. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội chúng ta đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài, doanh nghiệp không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển," Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục