Gỡ khó cho các nhà xuất bản trong cấp đổi giấy phép thành lập

Trong tổng số 63 nhà xuất bản, hiện chỉ có 24 nhà xuất bản (38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản.
Gỡ khó cho các nhà xuất bản trong cấp đổi giấy phép thành lập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tính đến hết tháng 11/2015, trong số 63 nhà xuất bản, chỉ có 24 nhà xuất bản (38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản về vốn, trụ sở, nhân lực - đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2015 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8/1.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, thực hiện các quy định tại Điều 13 Luật Xuất bản và Điều 8 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP trong việc xét cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản, Bộ này đã phối hợp với các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá từng nhà xuất bản.

Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 4 tháng nhưng Bộ cũng mới chỉ cấp đổi giấy phép thành lập cho 27/60 nhà xuất bản (chiếm 45%). Như vậy, cho đến thời điểm này, vẫn còn 33 nhà xuất bản chưa được cấp đổi giấy phép thành lập.

Trong đó, 26 nhà xuất bản chưa đủ điều kiện cấp đổi giấy phép thành lập theo quy định (chưa đủ nguồn kinh phí hàng năm ít nhất 5 tỷ đồng để hoạt động xuất bản, chưa đủ chức danh lãnh đạo nhà xuất bản, cơ quan chủ quản không phù hợp) và 7 nhà xuất bản chưa được cơ quan chủ quản làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản hoặc đã nộp hồ sơ đề nghị nhưng thiếu giấy tờ liên quan.

Theo ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, một số nhà xuất bản vẫn chưa được bảo đảm điều kiện hoạt động. Nhiều cơ quan chủ quản chưa chú trọng đầu tư cho các nhà xuất bản trong việc ứng dụng công nghệ vào quy trình xuất bản. Phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế.

Đa số nhà xuất bản mới chỉ dừng ở mức sử dụng công cụ tin học để hỗ trợ một phần quy trình xuất bản. Các công nghệ mới theo mô hình xuất bản hiện đại đáp ứng đòi hỏi của truyền thông đa nền tảng, truyền thông hội tụ không có điều kiện phát triển. Xuất bản điện tử vẫn ở giai đoạn thí điểm, chỉ được số ít nhà xuất bản quan tâm.

Trong năm 2016, do những khó khăn trong việc sắp xếp nguồn vốn, nhiều nhà xuất bản không nhận được chế độ đặt hàng của cơ quan chủ quản; cơ chế để các đơn vị cùng trực thuộc một cơ quan chủ quản với nhà xuất bản phối hợp tổ chức xuất bản sách tại nhà xuất bản không được quan tâm, triển khai hiệu quả.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản-In-Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông thẳng thắn nêu rõ: Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP chỉ quy định “cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hàng năm ít nhất 5 tỷ đồng để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản,” vì vậy, giữa các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản nhà xuất bản chưa có cách hiểu và thực hiện thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản.

Một số cơ quan chủ quản còn chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của nhà xuất bản, dẫn đến việc nhà xuất bản liên tiếp có xuất bản phẩm sai phạm, bị xử lý, làm mất uy tín của nhà xuất bản và ảnh hưởng đến cả ngành. Nhiều cơ quan chủ quản chưa phối hợp kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và kiến nghị với các cơ quan liên quan về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của nhà xuất bản.

Gỡ khó cho nhà xuất bản hoạt động là vấn đề được nhiều đại biểu bàn thảo tại Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng các cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội xuất bản Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương thống nhất thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản.

Đối với việc xác định nguồn vốn 5 tỷ đồng, cần thiết có thể kiến nghị sửa đổi nghị định. Song, trong lúc chờ sửa đổi, có thể vận dụng thực hiện một cách sáng tạo để các nhà xuất bản hoạt động, không vì lý do không có nguồn kinh phí 5 tỷ đồng mà không cấp phép cho các nhà xuất bản.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá sâu về hoạt động xuất bản và công tác quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề biên tập, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo đó, năm 2015, Cục Xuất bản-ln-Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản gần 73.600 cuốn; tổng số xuất bản phẩm đã thực hiện nộp lưu chiểu là 29.120 cuốn, với 363.012 triệu bản.

Nội dung xuất bản phẩm đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Cùng với việc chuyển tải một khối lượng lớn tri thức đến với người đọc, trong năm qua, nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phục vụ những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước đã được xuất bản...

Đặc biệt, các nhà xuất bản đã tập trung đầu tư xuất bản nhiều ấn phẩm về địa lý, lịch sử, chính trị có giá trị, liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây là những tư liệu và bằng chứng xác đáng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biển đảo Việt Nam.

Cơ quan quản lý nhà nước đã có sự chấn chỉnh kịp thời đối với một số nhà xuất bản trong việc đăng ký và xuất bản sách ngôn tình, tạo sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo sách văn học, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, hướng người đọc đến với những tác phẩm có giá trị văn học đích thực.

Song trong năm qua, vẫn có đến 323 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó 128 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung bị Cục Xuất bản-ln-Phát hành xử lý.

Qua thanh tra, kiểm tra, Cục đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 1,2 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 tổ chức vi phạm; buộc thu hồi, tiêu hủy gần 10.400 bản xuất bản phẩm vi phạm; chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 2 vụ việc.

Để nâng cao chất lượng toàn diện và hoạt động bền vững của nhà xuất bản năm 2016, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan chủ quản nhà xuất bản nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của nhà xuất bản trung và dài hạn, phù hợp với chiến lược của ngành; đổi mới nâng cao năng lực của nhà xuất bản, nâng cao năng lực cho đội ngũ biên tập viên, quy hoạch nguồn nhân lực theo từng giai đoạn, tạo động lực thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển.

Cơ quan chủ quản phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các đề tài, không để xảy ra sai sót, thực hiện đúng quy định của pháp luật, làm lành mạnh hóa thị trường, đẩy mạnh các sản phẩm xuất bản có giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục