"Gỡ khó" công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh thực hiện tốt giải phóng mặt bằng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

“Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là tiền đề quan trọng làm cơ sở thực hiện đối với các dự án đường sắt đô thị. Việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất kịp thời là khâu then chốt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả dự án đầu tư.”

Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông từ thực tế triển khai các dự án trên địa bàn Hà Nội tại phiên chuyên đề “Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt và khu vực TOD” do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 18/1.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, thực hiện tốt giải phóng mặt bằng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi.

Chia sẻ kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của thành phố Hà Nội trong triển khai dự án đường vành đai 4, ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, cho biết xác định giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” phải được triển khai sớm, thành phố Hà Nội đã đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt.

Từ đó, giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp (đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước) nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu. Việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay khi chủ trương được duyệt sẽ tranh thủ được thời gian chuẩn bị dự án, giúp giải phóng mặt bằng đi trước một bước.

ttxvn-ha-noi-ban-giai-phap-tao-dot-pha-phat-trien-duong-sat-do-thi-theo-mo-hinh-tod1-755.jpg
Ban tổ chức tặng hoa và kỷ niệm chương các diễn giả có tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong việc triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng của từng địa phương cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân; trong đó thành phố Hà Nội chọn những khu tái định cư có điều kiện mặt bằng, giao thông thuận lợi, tốt nhất cho người dân. Các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc. Thành phố cũng ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án

Theo ông Đỗ Đình Phan, ưu điểm của giải pháp tách giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập là có thể triển khai song song khâu bồi thường giải phóng mặt bằng (theo quy hoạch) đối với lập dự án thành phần giải phóng mặt bằng; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần giải phóng mặt bằng thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… nên rút ngắn được thời gian thực hiện, việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển thành phố chi trả cho các phương án giải phóng mặt bằng không phụ thuộc vào dự án được duyệt.

Việc giao địa phương thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng hoặc chủ đầu tư dự án thành phần giải phóng mặt bằng trên địa bàn để các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng chung của các dự án; đồng thời tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng.

Việc phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, giao cho cấp đó thực hiện là một trong những yếu tố đem lại sự đột phá trong giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ Đình Phan chia sẻ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, bao gồm 7 dự án thành phần do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản - cơ quan có thẩm quyền; trong đó có 3 dự án đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT.

Đến nay, dự án đã phê duyệt 7/7 dự án thành phần; 3 tỉnh, thành phố đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 1.306,06ha, đạt 93,92%, di chuyển 11.540 ngôi mộ, đạt 74,18%; đã khởi công thi công xây dựng dự án đường song hành trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố; trong đó các nhà thầu đã tổ chức 37 mũi thi công trên toàn tuyến.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục