Gỡ khó trong hỗ trợ những mảnh đời 'mắc kẹt' lại đô thị trong đại dịch

Cuộc sống của lao động tự do ở các thành phố trở nên muôn vàn gian khó trước đại dịch COVID-19. Do đó, các cơ quan, ban ngành cần tháo gỡ để hỗ trợ họ vượt qua thời điểm khó khăn này.
Trao phần quà hỗ trợ cho người lao động nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các xóm trọ. (Ảnh minh hoạ: Thanh Vũ/TTXVN)
Trao phần quà hỗ trợ cho người lao động nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các xóm trọ. (Ảnh minh hoạ: Thanh Vũ/TTXVN)

Cuộc sống mưu sinh của những người lao động tự do vốn đã nhọc nhằn, vất vả nay đứng trước nguy cơ trở nên khó khăn cùng cực sau bốn đợt dịch COVID-19.

Cứ mỗi đợt dịch, thời gian giãn cách xã hội lại kéo dài hơn và đánh gục họ sau những nỗ lực vươn lên để phục hồi, bởi lẽ đa số họ đều chạy ăn từng bữa.

Sự hỗ trợ kịp thời cho những người lao động tự do lúc này chính là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua đại dịch COVID-19, để không bị nhấn chìm trong nghèo đói.

Khi đô thị không còn là "đất lành chim đậu"

Trong xóm trọ lụp xụp nằm sâu trong ngõ ngách trên đường Hoàng Hoa Thám, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hợi (quê Xuân Trường, Nam Định) đã có gần 20 năm gắn bó mưu sinh vất vả với đủ loại công việc tại Hà Nội nhưng chưa từng nghĩ sẽ có ngày thất nghiệp.

Trong những ngày giãn cách xã hội, cả hai vợ chồng không thể về quê vì quy định phòng, chống dịch. Việc không, tiền dần cạn, họ lâm vào tình cảnh khó khăn. Bởi thế, những suất hỗ trợ gạo, mì tôm, rau... của tổ dân phố, cán bộ phường mang đến đã giúp hai vợ chồng chị Hợi phần nào vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Trước chồng làm thợ xây, vợ đi nhặt đồng nát và làm giúp việc nhưng giờ thì cả hai vợ chồng mất việc làm vì dịch bệnh. Điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng cũng đành phải chấp nhận,” chị Hợi chia sẻ.

Gỡ khó trong hỗ trợ những mảnh đời 'mắc kẹt' lại đô thị trong đại dịch ảnh 1Xóm trọ lụp xụp nơi vợ chồng chị Hợi sinh sống đã gần 20 năm tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị Nguyễn Thị Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) mở cửa hàng cắt tóc gội đầu cũng đã được hơn 10 năm. Cửa hàng nhỏ đã giúp hai vợ chồng chị mưu sinh, nuôi hai đứa con ăn học. Những ngày chưa có  dịch COVID-19, thu nhập của hai vợ chồng đủ để trả tiền thuê nhà, tiền ăn học cho con và dành dụm được ít tiền.

Thế nhưng từ khi COVID-19 ập đến, chị Thảo mất việc làm vì công việc của chị thuộc một trong những nhóm mặt hàng kinh doanh phải tạm dừng hoạt động. Thời gian phải nghỉ để phòng chống, dịch kéo dài mấy tháng trời khiến áp lực kinh tế ngày một lớn, đè nặng lên chị Thảo khi tiền ăn, tiền học, tiền thuê nhà vẫn phải chi thường xuyên.

Hai vợ chồng chị Thảo đã đăng ký và đang chờ đợi để nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người dành cho lao động tự do bị mất việc làm của Hà Nội. Thế nhưng, trong bối cảnh đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến ngày càng phức tạp hơn, thì có lẽ cuộc sống của cả gia đình chị Thảo chắc còn lâu lắm mới quay về được như trước khi có dịch.

Thành phố phát triển, sôi động khi giãn cách xã hội đã không còn là "đất lành chim đậu" với hàng triệu việc làm cho lao động tự do tìm đến để mưu sinh, kiếm sống.

Dịch bệnh khiến những người lao động nhiều năm ở Hà thành, dù có tích lũy nhưng còn "lao đao," thì với những mảnh đời vừa “chân ướt, chân ráo” đến Thủ đô, sự khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội.

Ngày 23/7, bảy thanh niên người dân tộc Thái, quê ở Than Uyên, Lai Châu bắt xe khách từ Lai Châu xuống Hà Nội với lời hứa “công thợ phụ hồ 250.000 đồng/ngày, được nuôi cơm.” Sáng 24/7, họ mới đi làm tại công trình ở Định Công, Hoàng Mai được một buổi đã phải tạm ngừng vì Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội. Từ lúc ấy, cả nhóm ăn nghỉ tại lán trại nằm sâu trong ngõ trên đường Nguyễn Xiển và được đưa cơm hàng ngày.

Gỡ khó trong hỗ trợ những mảnh đời 'mắc kẹt' lại đô thị trong đại dịch ảnh 2Nhóm phụ hồ ngồi nghỉ chân bên vệ đường Phạm Hùng, ăn mì tôm sống, uống nước lọc trên đường đi bộ về quê. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thế nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách kéo dài, cho đến khi không còn ai đưa cơm, chủ thầu không liên lạc được thì họ quyết định đi bộ về quê, nơi cách Hà Nội hơn 300km vì tất cả không còn tiền. Vậy là hơn 20 ngày sau khi xuống Hà Nội với hy vọng kiếm việc làm, khi không còn nơi nương náu, họ tự tìm cách để vượt qua giai đoạn khó khăn...

Gỡ khó việc hỗ trợ lao động tự do

Trong những đối tượng việc làm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, có những nhóm dễ bị tổn thương cần đặc biệt lưu ý là lao động tự do. Bởi lẽ, nhóm đối tượng này hiện nay không nằm trong hệ thống an sinh xã hội nên họ không được bảo vệ bởi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm ốm đau… Trong khi việc làm của họ lại luôn bị ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp trong những đợt giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng hiện nay lao động phi chính thức là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, nặng nề nhất nhưng do đặc thù công việc, hệ thống cơ quan Nhà nước hiện nay chưa quản lý nhóm này nên họ là những người lao động rất dễ bị ra ngoài rìa của chính sách hỗ trợ.

“Nguyên tắc hỗ trợ trong thiên tai, dịch bệnh là phải đảm bảo bình đẳng, ai bị ảnh hưởng thì Nhà nước phải có hỗ trợ cho họ. Chúng ta cần phải xác định việc hỗ trợ bằng tiền mặt hướng đến ai? Chính sách này phải hướng đến những người bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất và những người không có tiết kiệm dự phòng trong gia đình họ, ảnh hưởng tiêu cực đại dịch khiến họ không còn đường sống,” ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh.

Thực tế, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã có quy định chính sách hỗ trợ lao động tự do và cho các địa phương dựa theo tình hình thực tế để ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của người lao động tự do được hỗ trợ nhưng cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau hoặc vẫn còn nhiều người lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ.

Trong thực tế triển khai, đối với nhóm đối tượng lao động tự do di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc, các quy định thực hiện hỗ trợ đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục xác nhận. Để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa địa phương có lao động đi và địa phương có lao động đến, các chuyên gia cho rằng ngân sách Nhà nước cần chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 40% chi hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do và đặc thù đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách (60% còn lại là do địa phương thu xếp).

Bộ này kỳ vọng với sự hỗ trợ ấy, các địa phương sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ cho lao động tự do vượt qua cơn bĩ cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục