Gỡ nút thắt về chất lượng nhân lực trẻ: "Vàng hóa" lao động trẻ

Theo đánh giá của WB, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp vị trí 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.
Gỡ nút thắt về chất lượng nhân lực trẻ: "Vàng hóa" lao động trẻ ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các bộ, ngành và Trung ương Đoàn tham gia đối thoại với thanh niên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong cuộc đối thoại với thanh niên về chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0" mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người. Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần các chuyên gia giỏi, tay nghề cao; tương lai thế giới thuộc về khoa học-công nghệ và thế hệ trẻ.

Lời phát biểu của người đứng đầu Chính phủ rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, nhưng chất lượng nhân lực còn đối mặt với nhiều vấn đề.

Đó là sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động, sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp...

Cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng lao động chưa vàng

Căn cứ khoản 1, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực ngày 1/1/2021, độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động tại Việt Nam là 15, trừ một số trường hợp đặc biệt theo luật định.

Theo Tổng cục Thống kê: Với dân số khoảng 99,45 triệu người, Việt Nam có 51,7 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên trong năm 2022.

Nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên (từ đủ 16 đến 30 tuổi), chiếm khoảng 22,5% dân số và gần 36% lực lượng lao động; gần 60% thanh niên sống ở nông thôn. Những lao động từ 15-39 tuổi luôn chiếm trên 51% tổng số lao động cả nước.

Theo cách tính của Liên hợp quốc, Việt Nam có tình trạng nhân khẩu học thuận lợi hơn so một số nước trong khu vực. Nước ta sẽ đạt đỉnh dân số trong độ tuổi lao động vào năm 2040. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đạt mức đỉnh vào năm 2015, còn Thái Lan là năm 2020. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng lợi thế về cơ cấu dân số vàng trước khi bước vào thời kỳ già hóa dân số, nói nôm na là phải "giàu trước khi già."

Dân số thế hệ Z - những người sinh vào khoảng 1998-2012, đang trong độ tuổi lao động (15-24 tuổi) đến năm 2025 sẽ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động của Việt Nam.

Thế hệ Z quen thuộc nhanh với công nghệ nhưng chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần thiết để theo kịp yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả là chúng ta đang chứng kiến những người trẻ đi làm thêm những công việc bán thời gian như chạy xe công nghệ, làm nghề phục vụ không chuyên ở các quán xá... hoặc những công việc có nguy cơ tự động hóa cao. Trong tương lai đây là những nhóm ngành nghề không mang lại nhiều giá trị cho xã hội.

[Thủ tướng gửi thông điệp tới hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam]

Lực lượng lao động qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%. Tỷ lệ này là khá cao so với năm 2020 (24,1%), đặc biệt là với năm 2011 (15,6%), nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại.

Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp năm 2022 là khoảng 409.300 người, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2022 là 7,7%. Dự báo, đến năm 2023, số lượng người thất nghiệp sẽ giảm về mức tương tự năm 2021 nhưng vẫn cao hơn năm 2019 (khoảng 1,1 triệu người). Lực lượng lao động trẻ cũng vẫn chiếm một phần trong số lượng dự đoán này.

Gỡ nút thắt về chất lượng nhân lực trẻ: "Vàng hóa" lao động trẻ ảnh 2a số lao động không sử dụng hết tiềm năng của mình là những người từ 15-34 tuổi. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Điều đáng nói, đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng của mình là những người từ 15-34 tuổi (48,4%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động là 34,7%.

Đây là con số tổng hợp cho biết mức độ "lệch pha" giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Như vậy, Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Mức độ chênh lệch về trình độ học vấn là đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phân cấp, mất cân đối nguồn nhân lực giữa các vùng miền và tất yếu sẽ kéo theo chênh lệch mức sống dân cư, trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa các khu vực và có thể xem là lỗ hổng lớn về chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhìn chung còn thấp, kể cả trong lớp trẻ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Những bất cập hiện nay không chỉ cản trở tiềm năng đóng góp của lao động vào tăng năng suất lao động, mà còn đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Mặc dù công tác y tế-chăm sóc sức khỏe của người dân được cải thiện qua từng năm tháng, dân số không ngừng tăng, tuổi thọ trung bình được nâng lên... nhưng tốc độ gia tăng dân số đang có xu hướng giảm, sự mất cân bằng giới tính tăng, xu hướng già hóa dân số ngày càng hiện hữu qua gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi lớn, đời sống vật chất của người cao tuổi còn thấp.

Chính vì vậy, đi đôi với tuổi thọ trung bình được nâng lên thì vấn đề già hóa nhanh trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp đang là một thách thức không nhỏ.

Trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu châu Á, nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống xã hội, sản xuất. Bên cạnh đó, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít, thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu.

Theo đánh giá của WB, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp vị trí 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á, trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ đạt 5,76 điểm, Malaysia đạt 5,59 điểm.

Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm cuối ở Đông Nam Á, chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và Lào, thấp hơn Philippines, Indonesia, Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Malaysia cũng như Singapore.

Về kỹ năng của lao động, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore (thứ 79).

Cuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng, kỹ năng phù hợp, nhất là cho vị trí quản lý.

"Vàng hóa" chất lượng lao động trẻ

Theo các chuyên gia, để tận dụng lợi thế của lực lượng lao động trẻ, chúng ta phải giải quyết vấn đề khoảng cách giữa kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động. Khoảng cách kỹ năng sẽ ngày càng lớn hơn do thế hệ Z gia nhập thị trường lao động ở thời điểm công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Giải bài toán này cần có sự kết hợp của gia đình-nhà trường-doanh nghiệp-nhà nước và các đơn vị tổ chức thúc đẩy phát triển.

Về phía nhà trường, thay vì tập trung vào sự xuất sắc trong học tập thì cần chuyển trọng tâm sang việc hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành để xác định lại sự sẵn sàng trong nghề nghiệp, truyền đạt các kỹ năng phù hợp cho sinh viên trong thị trường lao động. Ở các cấp bậc như trung học cơ sở, trung học phổ thông cần coi trọng việc dạy nghề cho học sinh, chứ không nên để việc học nghề chỉ làm qua quýt, hình thức.

Gỡ nút thắt về chất lượng nhân lực trẻ: "Vàng hóa" lao động trẻ ảnh 3(Ảnh minh họa: Đức Hạnh/TTXVN)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thúy Quỳnh (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính) đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là giai đoạn phát triển mới mang tính bứt phá của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh, phát triển nền kinh tế số, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, đặt ra những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Con người, đặc biệt là lao động trẻ, cần phát triển đồng bộ về "tâm lực-trí lực-kỹ lực-thể lực-cuộc sống hạnh phúc," làm chủ công nghệ mới, tạo nền tảng để khoa học-công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, tạo bứt phá về năng suất lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới...

Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ chất lượng cao, thông qua nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.

Các loại hình giáo dục sau phổ thông trung học cần được đa dạng hóa, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp các sinh viên có cơ hội vừa học vừa làm, trải nghiệm môi trường thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cần được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực.

Định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế, tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo.

Để rút ngắn khoảng cách về trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia cần xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân vùng nông thôn, các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa...

Cần phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế tài chính, nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học, đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống. Liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp cần được tăng cường. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ cao cần được ưu tiên trong hội nhập quốc tế.

Nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho người dân, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập," nhấn mạnh việc nâng chất lượng lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục