Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Đề xuất rà soát bổ sung thêm đối tượng

Số lượng lao động nhận được hỗ trợ và kinh phí đã hỗ trợ vẫn còn thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu khi xây dựng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, trong khi vẫn còn nhiều đối tượng lao động rất khó khăn.
Người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)
Người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Công việc của lao động tự do vốn bấp bênh và khi đại dịch COVID-19 xảy ra đã nhanh chóng đẩy họ vào hoàn cảnh nghèo khó. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã giúp không ít người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Thế nhưng, việc triển khai gói hỗ trợ này trong thực tế còn gặp nhiều thách thức, vẫn còn những người đang gặp khó khăn thật sự chưa được hỗ trợ.

Lao động mất việc nhưng ngoài danh sách

Tại hội thảo “Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ: Góc nhìn từ những người hưởng lợi, hướng tới an sinh xã hội bao trùm” do Mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số (Mạng lưới Tiên Phong) và Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư (M.net) tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội, những câu chuyện về những người dân gặp khó khăn do COVID-19 mong mỏi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn đã được chia sẻ.

Năm 2019, gia đình anh Trương Công Ninh (thôn Bên, xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) vay ngân hàng 50 triệu đồng để sửa lại ngôi nhà đã dột nát. Để trả khoản nợ này, chị Lập vợ anh Ninh và hai con đi làm phụ hồ ở Hà Nội, anh Ninh vốn sức khoẻ yếu nên ở lại trông nhà. Những tưởng tìm được việc thì ba mẹ con làm việc chăm chỉ sẽ sớm trả được khoản nợ nhưng đến tháng 3 năm nay, cả ba mẹ con thất nghiệp phải về quê.

Trong thời gian nghỉ ở nhà, gia đình rất khó khăn trong chi tiêu sinh hoạt, không có tiền trả lãi ngân hàng... Thời gian không có việc làm kéo dài 2-3 tháng, gia đình anh Ninh phải đi vay lãi “nóng” để trang trải cho gia đình, vì càng thêm áp lực nên gia đình hay nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã...

Nghe tin lao động tự do mất việc làm cũng được hỗ trợ, vợ anh Ninh đã đến chính quyền thôn để hỏi thăm làm thủ tục thì được yêu cầu cung cấp giấy tờ nơi chị làm việc. Chị Lập đi làm phụ hồ không có giấy tờ xác nhận nên không có cơ sở khai báo và làm thủ tục hỗ trợ. Vậy là mặc dù là lao động tự do mất việc làm đang gặp khó khăn nhưng gia đình chị Lập không nhận được hỗ trợ.

Dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh nghèo đói bởi nợ nần, cạn kiệt tích luỹ và khả năng phục hồi thấp. Tuy nhiên, do quy định cụ thể về các điều kiện được nhận hỗ trợ chỉ tập trung vào một số ngành nghề, đối tượng cụ thể nên một số ngành nghề nên một số lao động không có giao kết hợp đồng lao động khác cũng mất việc làm nhưng không được hỗ trợ.

Bà Phạm Thị Sơn, trưởng thôn Gia Du, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá cho biết khi rà soát đối tượng người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thôn lập được danh sách 40 đối tượng, nhưng sau đó theo hướng dẫn của tỉnh thì phải loại bớt chỉ còn 11 đối tượng được hỗ trợ. Như vậy, nhiều đối tượng lao động tự do mất việc làm gặp nhiều khó khăn nhưng không được hỗ trợ.

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Đề xuất rà soát bổ sung thêm đối tượng ảnh 1Người dân chia sẻ những câu chuyện thực tế trong triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điều 7 Quyết định 15/2020/QĐ-TT có quy định rõ về đối tượng được hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, Quyết định 15/2020/QĐ-TT cũng nêu rõ căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác. Tuy nhiên, trên thực tế khi thi hành chính sách, các địa phương chỉ tham chiếu vào các ngành nghề này để quy định đối tượng hỗ trợ, rất ít tỉnh tự lập lại danh sách đối tượng hỗ trợ theo tình hình thực tế.

Đề xuất bổ sung đối tượng

Tính đến tháng 9, các địa phương đã phê duyệt danh sách trên 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỷ đồng. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Trung ương, các địa phương đã thực hiện giải ngân trên 12.438 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 12,4 triệu người dân và 22.680 hộ kinh doanh.

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Đề xuất rà soát bổ sung thêm đối tượng ảnh 2

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số người lao động đã được hỗ trợ là 724.528 người với kinh phí là 725.124 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ 48,9 tỷ đồng cho 36.993 người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; 58,4 tỷ đồng cho 59.002 người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có 628.533 người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc đã được hỗ trợ với tổng kinh phí là 617,7 tỷ đồng.

[Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Tại sao mới chỉ hỗ trợ được gần 30%?]

Nhìn chung, số lượng lao động nhận được hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ vẫn còn thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu khi xây dựng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Do đó, các tổ chức đại diện cho lao động di cư, người dân tộc thiểu số... đề xuất cần mở rộng, bổ sung đối tượng được hỗ trợ.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Quản lý chương trình của Viện Light cho rằng, cần rà soát lại những đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi đại dịch dẫn đến việc cuộc sống trở nên khó khăn hơn và cần có những hỗ trợ khẩn cấp để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Qua các quá trình rà soát mà tiếp tục bổ sung những đối tượng này vào danh sách được hỗ trợ.

Đối với các đối tượng và thủ tục được hưởng hỗ trợ, từ thực tế triển khai nhiều nơi còn lúng túng, đại diện các tổ chức xã hội cho rằng cần có sự chỉ đạo cụ thể từ trung ương tới địa phương để tránh việc hiểu nhầm, dẫn đến bỏ sót đối tượng, cần lắng nghe ý kiến người dân kịp thời, để điều chỉnh chính sách hiệu quả.

Đại diện Mạng lưới Tiên Phong đề xuất cần có điều chỉnh phù hợp về thủ tục theo điều kiện của đối tượng hỗ trợ. Trong trường hợp lao động tựu do, thay vì yêu cầu về thủ tục như hiện nay, nên cho phép lao động tự cam đoan chịu trách nhiệm với sự đảm bảo của cộng đồng cấp thôn, tổ... Bằng cách này, thủ tục sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn, giúp gói hỗ trợ được triẻn khai đúng với ý nghĩa hỗ trợ khẩn cấp.

Đặc biệt, theo đại diện của Mạng lưới Tiên Phong thì cần cân nhắc thay đổi cách thức triển khai hỗ trợ khẩn cấp sang hướng tại việc làm và thu nhập ngay tại địa phương, sử dụng số tiền từ gói hỗ trợ trả nhân công với mức thấp hơn thu nhâp bình quân của lao động tựu do cho một số công việc tại địa phương để người lao động duy trì được việc làm, vượt qua giai đoạn khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục