Hà Nội: Bài học kinh nghiệm trong dập tắt ổ dịch lớn ở Chương Dương

Quận Hoàn Kiếm đã quyết định một việc chưa có trong tiền lệ, là phân công một thành viên Ban Thường vụ và là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân quận, về “3 cùng” tại điểm nóng dịch Chương Dương.
Hà Nội: Bài học kinh nghiệm trong dập tắt ổ dịch lớn ở Chương Dương ảnh 1Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ của người dân tại chốt cửa khẩu Hàm Tử Quan. (Ảnh: Văn Cảnh/TTXVN)

Ổ dịch COVID-19 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm là ổ dịch rất lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, bùng phát vào ngày 30/7, với 61 trường hợp F0.

Quận Hoàn Kiếm đã phải phong tỏa toàn phường với khoảng 23.000 ngàn người bị cách ly tại địa bàn. Nhưng chỉ sau 18 ngày, dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn và từ ngày 19/8 đến nay, tại đây không phát sinh ca nhiễm mới.

Đây là một mô hình phòng, chống dịch hiệu quả, được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá rất cao.

Mặc dù thuộc quận trung tâm của Hà Nội, nhưng phường Chương Dương lại khá biệt lập, nằm ven sông Hồng và bị ngăn cách với phố xá bởi bờ đê Yên Phụ.

Phường có mật độ dân số rất cao, nhiều lao động tự do và tỉnh ngoài. Tại đây cũng có nhiều khu tập thể cũ từ những năm 1960 và nhiều nhà dân lụp xụp, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Trước tình hình đó, khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại địa bàn phường Chương Dương, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã họp khẩn trong đêm, bàn các phương án, giải pháp khoanh vùng, truy vết ngay.

[“Phân luồng” chống COVID-19 ở Hà Nội và kinh nghiệm từ EU]

Quận đã quyết định một việc chưa từng có trong tiền lệ, là phân công một thành viên Ban Thường vụ và là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân quận về “3 cùng” tại phường Chương Dương.

Nhiệm vụ của cán bộ này là chủ động thay mặt quận chỉ đạo, ăn ở, sinh hoạt ngay tại địa bàn vùng dịch, không về nhà hay đi ra khỏi địa bàn. Mọi điều hành hàng ngày đều được giao cho cán bộ này quyết định, trừ những việc khó và đặc biệt quan trọng sẽ báo cáo gấp qua điện thoại cho Ban Thường vụ Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, người được cử xuống chỉ đạo địa bàn, chia sẻ rằng nhiệm vụ này là một áp lực lớn, vì đây là địa bàn phức tạp dày đặc dân cư, tâm lý đang hoang mang, hoảng loạn, trong lúc lực lượng cán bộ phường rất thiếu, bởi có 25 cán bộ, lãnh đạo và 30 chiến sỹ công an phải đi cách ly tập trung vì liên quan đến F0.

Vì vậy, lãnh đạo quận và phường bĩnh tĩnh họp bàn để có một chương trình, kế hoạch hành động rất khoa học, cụ thể.

Phường xác định hai vấn đề cần khẩn trương phải làm song hành là khoanh vùng, truy vết, cách ly người dân không ra khỏi địa bàn và lo lương thực, nhu yếu phẩm kịp thời để các hộ gia đình yên tâm ở nhà.

Sau khi đánh giá tình hình, quận và phường huy động nhiều lực lượng để ứng phó cho Chương Dương.

Tại 300 ngõ trên địa bàn đều được lập chốt, do lực lượng dân quân, tổ dân phố và người dân canh chốt. 14 điểm là cửa khẩu giao nhau với các phường giáp ranh và cửa khẩu bờ đê đi ra tuyến đường chính do lực lượng công an canh gác.

Hà Nội: Bài học kinh nghiệm trong dập tắt ổ dịch lớn ở Chương Dương ảnh 2Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân và Bí thư Đảng ủy phường Chương Dương Trần Thị Thanh Vân kiểm tra công tác vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm trong khu phong tỏa. (Ảnh: Văn Cảnh/TTXVN)

14 điểm vòng ngoài khu dân cư nơi vùng đỏ trọng điểm tập trung nhiều ca F0, F1 sinh sống được lập chốt do lực lượng quân sự phối hợp với tổ dân phố kiểm soát. Như vậy, cơ bản giải quyết được việc “ai ở đâu, ở yên đó.”

Đồng thời, phường tổ chức xét nghiệm từ 2-3 lần cho toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn và những người liên quan đến F0 để sớm phân loại, bóc tách nguồn bệnh, đưa người đi cách ly tập trung ra khỏi địa bàn; sau khi có kết quả âm tính, đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho hàng ngàn người.

Trước tâm lý lo lắng của người dân, phường huy động hệ thống chính trị, đoàn thể thành lập Tổ phản ứng nhanh lương thực, kích hoạt Tổ cung ứng để tiếp nhận tất cả các nguồn hàng hóa do người nhà, người thân, các nhà hảo tâm gửi cho nhân dân Chương Dương. Quận cam kết với người dânkhông để bất kỳ hộ gia đình nào thiếu ăn.

Nhằm không bị đứt gãy nguồn lương thực, đảm bảo vệ sinh, đảm bảo phòng chống dịch, quận ký kết với nhiều tập đoàn cung cấp hàng hóa cùng một lúc như chuỗi cung ứng của BRG, Việt Sinh, Vin Mart… Bên cạnh đó, quận huy động nhiều nguồn lực tặng hàng ngàn suất quà cho người dân.

Để người dân nắm rõ chủ trương của những việc làm trên, phường đã thành lập 150 nhóm liên lạc trên Zalo, được chia cho nhiều nhánh, phù hợp với từng chủ đề, từng loại công việc, từng loại tổ chức đoàn thể… nhằm chuyển tải tất cả những chủ trương, chính sách, quy định mới tới mỗi cán bộ và người dân một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, phường thành lập 4 đường dây nóng cho người dân phản ánh gấp ở các lĩnh vực y tế, hành chính thủ tục, cung ứng hàng hóa và những vấn đề phát sinh khác. Số điện thoại lãnh đạo quận và phường đều được công khai và sẵn sàng trả lời người dân bất kỳ lúc nào.

Bà Nguyễn Phương Hoa, cư dân tổ Hồng Hà 2m cho hay nhân dân rất cảm động bởi sự quan tâm, lo lắng và vì nhân dân của chính quyền phường Chương Dương, ví dụ như  việc mua mớ rau cũng được lãnh đạo quận trả lời trên nhóm Zalo.

Còn anh Phạm Như Cương, quê Thái Bình, lao động tự do bị mắc kẹt tại địa bàn đã tham gia làm tình nguyện viên, thì chia sẻ rằng việc phòng chống dịch bệnh ở đây làm anh xúc động. Theo đó, anh đã bất chấp hiểm nguy để đăng ký trực chốt tại vùng lõi dịch ngõ 105 Vọng Hà.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh yếu tố để thành công khống chế dịch đầu tiên phải nhờ vào nhân dân có ý thức ở yên trong nhà. Bên cạnh đó, chính quyền phải kịp thời làm cho người dân có tâm lý vững tin nhất.

Bí thư Đảng ủy phường Chương Dương Trần Thị Thanh Vân cho biết thêm, để khống chế dịch thành công, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ sống còn và phải được thực hiện linh hoạt, điều chỉnh, cập nhật từng giờ, từng phút theo sự biến đổi tình hình dịch.

Hiện tại, vùng lõi của ổ dịch tại phố Vọng Hà vẫn đang bị phong tỏa, với khoảng 2.000 người đang cách ly tại nhà./.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 17h ngày 7/9

Hà Nội
- Số ca nhiễm: 4.155
- Số ca tử vong: 47 
- Tiêm chủng: 3.243.413

Trong nước:
- Số ca nhiễm: 550.996
- Số ca tử vong: 13.701, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 10.938, Hà Nội 47.
- Số ca khỏi bệnh: 311.710 
- Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.

Thế giới:
- Số ca nhiễm: 222.115.841
- Số ca tử vong: 4.592.043
- Số ca hồi phục: 198.740.674 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục