Hà Nội đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch SARS-CoV-2

Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường khai thác hàng hóa với lượng hàng hóa tăng thêm từ 30% đến 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.
Hà Nội đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch SARS-CoV-2 ảnh 1Thành phố Hà Nội đã lên phương án đáp ứng đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dịch SARS-CoV-2 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ ngành đã xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là đảm bảo cân đối đủ hàng thiết yếu phục vụ thị trường trong nước.

[Bộ trưởng Công Thương: Dự báo sát, ứng phó hiệu quả trước dịch bệnh]

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành đã tham mưu với thành phố để chuẩn bị hàng hóa nhằm bình ổn thị trường phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Thưa bà, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bình ổn thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, ngành Công Thương Hà Nội đã có những giải pháp gì?

Bà Trần Thị Phương Lan: Đối với những mặt hàng vừa qua xảy ra tình trạng thiếu hụt như khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động cùng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường ra quân đồng loạt, tăng cường kiểm tra hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương để nắm được năng lực sản xuất cũng như tránh tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng khẩu trang bằng vải để phục vụ cho việc phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm khác như lương thực, thực phẩm, rau quả… Sở Công Thương đã cùng Vụ Thị trường trong nước làm việc với các nhà phân phối lớn như VinMart, Big C, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh…. và xây dựng phương án bảo đảm các hàng hóa thiết yếu trong thời gian có dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

- Trước Tết, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, vậy trước dịch bệnh hiện nay, các phương án cụ thể được Sở Công Thương chuẩn bị như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành phương án số 608/PA-SCT về bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố ứng phó với dịch COVID-19.

Căn cứ dự báo ảnh hưởng của từng cấp độ dịch bệnh theo kế hoạch của thành phố, để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường khai thác hàng hóa với lượng hàng hóa tăng thêm từ 30% đến 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.

Trong trường hợp có khu vực bị khoanh vùng cách ly, dự kiến, lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày là: 90 tấn gạo; 6,75 tấn thịt lợn; 75 nghìn quả trứng gia cầm; 750kg muối ăn, bột canh; 7,8 tấn thủy hải sản đông lạnh; 6,75 tấn thực phẩm chế biến; 60 nghìn gói sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, lương khô...).

- Phương án chuẩn bị lượng hàng thiết yếu phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 5.000 người trong 30 ngày của Hà Nội:

Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan báo đài thực hiện tuyên truyền về việc doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung hàng hóa ổn định tâm lý người dân không mua hàng hóa tích trữ, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng, hoặc giữa các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán.

Sở cũng đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội cần để cung ứng cho thị trường thành phố. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến… theo quy định của pháp luật.

Khi dịch bệnh xảy ra ở cấp độ lây lan trên địa bàn thành phố với trên 20 trường hợp mắc: Trường hợp nguồn cung các đơn vị đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, đề nghị các đơn vị không găm hàng, có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, bảo đảm mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa.

Trường hợp nguồn cung của các đơn vị thiếu không đáp ứng nhu cầu của người dân: Đề nghị các đơn vị phân phối không găm hàng, tổ chức điều tiết, bán ra hợp lý (hạn chế số lượng mua hàng). Sở cũng đề nghị các cơ quan quản lý trực tiếp mặt hàng đang thiếu, chỉ đạo các đơn vị sản xuất phối hợp với các đơn vị cung ứng để điều động hàng hóa đến các khu vực thiếu, thông tin, tuyên truyền đến người tiêu dùng mua hàng đủ tiêu dùng, không gom hàng để nhường cho người khác được mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày…

Trường hợp có khu vực bị khoanh vùng cách ly: Phối hợp với khu trung tâm bị cách ly để xác định phương án, phương thức cung cấp hàng hóa đến các khu vực bị cách ly…

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, doanh nghiệp sản xuất, phân phối… trong giai đoạn hiện nay chúng ta có thể yên tâm về nguồn cung các mặt hàng nhu yếu phẩm, trong đó có thực phẩm, lương thực đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Hà Nội đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch SARS-CoV-2 ảnh 2Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Cùng với việc bảo đảm nguồn cung, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu, vậy công tác này được quan tâm như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm càng cần phải được tăng cường. Chính vì thế lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn này, tất cả hệ thống thương mại phải tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, lưu thông, buôn bán những mặt hàng động vật hoang dã, hay những mặt hàng có nguy cơ truyền nhiễm bệnh cao như cầy hương, tê tê, rắn, dơi…

Về phía các hệ thống phân phối, Sở Công Thương yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhập nguồn hàng từ các nguồn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như truy xuất được nguồn gốc hàng hóa khi đưa vào hệ thống phân phối.

- Trân trọng cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục