Hà Nội: Đảm bảo ổn định quan hệ lao động dịp cuối năm và Tết Tân Sửu

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu Công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động nhằm kịp thời giải quyết những bức xúc của người lao động, phòng ngừa tranh chấp lao động.
Hà Nội: Đảm bảo ổn định quan hệ lao động dịp cuối năm và Tết Tân Sửu ảnh 1Công nhân ngành dệt may. (Nguồn: TTXVN)

Dự báo về tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể dẫn đến tranh chấp lao động, đình công và ngừng việc tập thể do những tác động bởi đại dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn cơ sở chủ động nắm chắc tình hình và ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra, xây dựng kế hoạch ổn định quan hệ lao động ở từng doanh nghiệp, địa phương.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, từ đầu năm đến nay, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, biến động giá đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp đã tác động không nhỏ đến kinh tế Thủ đô, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, thậm chí phá sản, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, việc làm, đời sống của một bộ phận công nhân lao động.

Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phải sống trong những khu nhà trọ với điều kiện sống và sinh hoạt không được đảm bảo.

Điều kiện làm việc của một số doanh nghiệp chậm được cải thiện, tai nạn lao động, tranh chấp lao động vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người lao động.

Đặc biệt, do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, dịch vụ gặp khó khăn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân lao động. 4.204 đơn vị, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch này với 165.007 người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, trong đó có 1.049 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động.

[Công đoàn triển khai nhiều mô hình, sáng kiến để bảo vệ người lao động]

Đồng thời, 520 trường học tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị tác động bởi dịch bệnh (trong đó có gần 300 đơn vị có tổ chức công đoàn cơ sở), với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm.

Từ thực trạng khó khăn trên, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhận định, dịp cuối năm cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp thực hiện phương án tăng lương, chi trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động nên rất dễ phát sinh những mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Do vậy, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức phát động thi đua trong công nhân lao động, tạo khí thể tập trung, sôi nổi trong sản xuất kinh doanh.

Các cấp Công đoàn vận động đoàn viên, công nhân lao động khắc phục khó khăn, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống việc làm vượt qua đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện, không để phát sinh điểm nóng về quan hệ lao động, bị các đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự.

Nắm chắc tình hình tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động từng doanh nghiệp, khi có vướng mắc phát sinh, Công đoàn cần khẩn trương tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động nhằm kịp thời giải quyết những bức xúc của người lao động, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra.

Đồng thời, các cấp Công đoàn xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động đảm bảo cho mọi công nhân lao động được đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi, an toàn, thiết thực.

Công đoàn quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo; bị nợ lương, mất việc làm do doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do dịch bệnh.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chỉ đạo cần giải quyết dứt điểm, kịp thời những đơn thư, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động khi bị vi phạm theo hướng ưu tiên các giải pháp đối thoại, thương lượng, hòa giải, không đùn đẩy kéo dài gây bức xúc, ảnh hưởng niềm tin của người lao động với tổ chức công đoàn.

Khi có tranh chấp lao động tập thể và đình công xảy ra, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý, việc triển khai thực hiện kế hoạch phải đảm bảo quyết liệt, đồng bộ kịp thời; rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, doanh nghiệp, tránh chủ quan, hình thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục