Hà Nội: Đối thoại giải quyết các vấn đề 'nóng' của công nhân, lao động

Những tâm tư, nguyện vọng về hỗ trợ nhà ở, khám chữa bệnh ngoài giờ, bất cập trong thực hiện pháp luật lao động... đã được công nhân, lao động trực tiếp đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Hà Nội: Đối thoại giải quyết các vấn đề 'nóng' của công nhân, lao động ảnh 1Người lao động đặt câu hỏi đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm nay, 18/5, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trực tiếp giải đáp thắc mắc của người lao động.

Buổi đối thoại được tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023 đồng thời cũng là hoạt động thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo thành phố đối với việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ, sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

80% công nhân, lao động phải thuê nhà

Trong buổi buổi đối thoại, chính sách nhà ở cho công nhân là một trong những vấn đề mà đông đảo công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đều rất quan tâm.

Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số công nhân, lao động đông. Hiện Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,5 triệu lao động.

Thành phố có 3 Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân, lao động. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân; do vậy khoảng trên 80% công nhân, lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư.

Trong số đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân, lao động ở các Khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Anh Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyoei Việt Nam đã chia sẻ những vất vả, khó khăn về nhà ở của công nhân và đặt câu hỏi về chính sách nhà ở xã hội dành cho công nhân, lao động.

Trả lời câu hỏi của anh Đức, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân được các cấp, ngành vô cùng quan tâm. Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, thành phố cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động. Trong thời gian tới, thành phố sẽ dần đáp ứng được nhu cầu của người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.

[Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội]

Lãnh đạo thành phố sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đến đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

Khám bệnh vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính

Tại buổi đối thoại, chị Vũ Thị Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam đã đặt câu hỏi và đề xuất mong muốn về việc triển khai khám chữa bệnh vào ngày Chủ Nhật, ngoài giờ hành chính cho người lao động có thẻ bảo hiểm y tế để thuận lợi hơn cho công nhân lao động.

Hà Nội: Đối thoại giải quyết các vấn đề 'nóng' của công nhân, lao động ảnh 2Người lao động tham gia đối thoại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giải đáp ý kiến của chị Thu, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết cơ quan bảo hiểm xã hội đã tham mưu Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố hàng năm đều có văn bản chỉ đạo giao sở y tế phối hợp với BHXH yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện khám chữa bệnh kể cả vào ngày nghỉ lễ, Tết, Chủ Nhật.

Theo quy định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh; thông bảo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.

“Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 29 cơ sở khám, chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ cho người bệnh và được thanh toán đúng theo quy định của Bộ Y tế. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với sở y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để đáp ứng yêu cầu của công nhân lao động,” ông Phan Văn Mến cho biết.

Hà Nội sẽ tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao

Trong buổi đối thoại, một số công nhân lao động đã phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng, nợ bảo hiểm… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Hà Nội: Đối thoại giải quyết các vấn đề 'nóng' của công nhân, lao động ảnh 3Giải đáp thắc mắc của  người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, những vấn đề về khó khăn khi cho con đi học của lao động nhập cư, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, các chính sách hỗ trợ, thu hút lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp tại Hà Nội... cũng được đưa ra tạ buổi đối thoại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh lãnh đạo thành phố luôn mong muốn lắng nghe các ý kiến sát sườn, vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của công nhân, lao động. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn để cùng nhau xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo các chính sách về tiền lương và các vấn đề khác cho công nhân, lao động.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Do đó, Hà Nội sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.

Ông Trần Sỹ Thanh mấnh mạnh: “Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh.”

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Liên đoàn lao động thành phố sau buổi đối thoại hôm nay sẽ tổng hợp và có trả lời bằng văn bản từng nhóm vấn đề cho công nhân lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục