Hà Nội: Khắc phục sai sót về thẩm quyền ban hành văn bản

So với những năm trước, công tác ban hành, kiểm tra văn bản của các địa phương đã đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số văn bản sai về thẩm quyền ban hành.

Sở Tư pháp thành phố Hà Nội vừa phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tiến hành kiểm tra đối với 182 văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, cho thấy vẫn còn một số văn bản sai sót về thẩm quyền và hình thức ban hành, đặc biệt là việc các văn bản này đã không được cơ quan tư pháp thẩm định theo quy định.

Cụ thể, liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Phúc Thọ, Thạch Thất.

Qua kiểm tra cho thấy so với những năm trước, công tác ban hành, kiểm tra văn bản của các địa phương đã từng bước đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số văn bản sai về thẩm quyền ban hành, quy định lại những nội dung đã được các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên quy định, viện dẫn căn cứ pháp lý thiếu hoặc văn bản đã hết hiệu lực, chưa đảm bảo đầy đủ các bước về trình tự thủ tục ban hành (đặc biệt là việc những văn bản này đã không được cơ quan tư pháp thẩm định theo quy định). Cá biệt, một số quy định có nội dung không phù hợp với văn bản cấp trên, không lưu trữ hồ sơ ban hành và kiểm tra văn bản...

Để nâng cao hiệu quả công tác ban hành, kiểm tra văn bản tại cơ sở, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tư pháp Hà Nội có văn bản kiến nghị trực tiếp với quận, huyện, yêu cầu cơ quan ban hành đình chỉ thi hành và hủy bỏ đối với các văn bản trái pháp luật, tổ chức tự kiểm tra và xử lý đối với từng văn bản sai sót.

Theo đánh giá, hiện tại, chất lượng thẩm định văn bản tại các quận, huyện ở Hà Nội tuy đã được cải thiện một bước, nhưng còn thiếu tính bao quát; tính phản biện trong văn bản thẩm định còn chưa cao, chưa tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng văn bản; có trường hợp vẫn còn để lọt những quy định thiếu tính hợp lý, thiếu tính khả thi. Thêm vào đó, công tác tự kiểm tra văn bản tại các đơn vị chưa được thực hiện một cách thường xuyên, nhiều văn bản đã được ban hành nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện kịp thời những sai sót.

Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật ở cấp huyện còn ít, tính chuyên nghiệp còn chưa cao, lại phải đảm nhận nhiều công việc khác. Mặt khác, một số đơn vị chưa coi công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là quy trình quan trọng nên ý kiến thẩm định đôi khi chưa được tiếp thu triệt để.

Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản tại một số quận, huyện chưa được quan tâm đúng mức; thiếu đầu tư nhân lực, kinh phí để triển khai thực hiện; sự phối hợp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ còn yếu, còn có tâm lý ỷ lại, coi đây là công việc riêng của ngành tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục