Cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên để tăng hiệu quả thi hành

Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cho biết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy một số quy định của Luật bộc lộ những bất cập, thiếu tính khả thi về quyền và nghĩa vụ thanh niên...
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên để tăng hiệu quả thi hành ảnh 1(Ảnh minh họa. Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và ChildFund Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Thanh niên Quốc gia đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005."

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn-Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Nguyễn Long Hải cho biết Luật Thanh niên được ban hành và thực hiện đã thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với việc bồi dưỡng, phát huy vai trò thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật Thanh niên không chỉ góp phần hoàn thiện thể chế về công tác thanh niên mà còn tạo ra sự động viên tích cực đối với các chủ thể tham gia công tác thanh niên ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn 10 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy một số quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, thiếu tính khả thi về: quyền và nghĩa vụ thanh niên; cơ chế, chế tài, đảm bảo thi hành Luật Thanh niên; các hành vi bị nghiêm cấm…

Hiện nay, Hiến pháp 2013 đã có những quy định mới về thanh niên, về quyền và nghĩa vụ công dân. Nhiều quy định pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục, nghĩa vụ quân sự… có liên quan đến thanh niên đã sửa đổi, bổ sung. Do đó, Luật Thanh niên cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những bất cập đang làm hạn chế hiệu quả thi hành Luật, kịp thời thể chế hóa Hiến pháp 2013 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của thanh niên với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Do đó, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế tổ chức diễn đàn nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để thanh niên tham gia tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, góp phần thiết thực hiệu quả cho các cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng, hoàn thiện Luật Thanh niên sửa đổi, bổ sung có tính khả thi và đi vào đời sống của thanh niên.

Tại diễn đàn, đại diện các bộ, ngành và các đại biểu thanh niên đã thảo luận nhiều nội dung trong Luật Thanh niên về học tập, việc làm, vui chơi giải trí, bảo vệ sức khỏe, tiếp cận thông tin, sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng thực thi chính sách pháp luật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc đảm bảo cho thanh niên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các đại biểu đánh giá: Luật Thanh niên qua 10 năm triển khai còn một số hạn chế, vướng mắc như một số quy định của Luật còn mang tính chung chung, thiếu cơ chế, chế tài để đảm bảo thực hiện. Nội dung nhiều điều luật còn mang tính định hướng chung chung như “nâng cao,” “tăng cường,” “đẩy mạnh”… mà chưa quy định những nguyên tắc xử sự mang tính bắt buộc và được Nhà nước đảm bảo thực hiện. Do đó, trên thực tế, các quy định của Luật khó triển khai và chưa thực sự đi vào cuộc sống của thanh niên, đặc biệt trong điều kiện đổi mới của đất nước.

Thạc sỹ Đặng Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý thanh niên, Viện Nghiên cứu Thanh niên đánh giá: Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Luật Thanh niên năm 2005 còn chưa rõ, thiếu một số quyền cơ bản của thanh niên kể từ khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành. Một số quy định còn chồng chéo, thiếu thống nhất; trách nhiệm của các chủ thể còn chung chung, không rõ ràng; cơ chế đảm bảo thi hành mờ nhạt, khó khả thi. Văn phong thể hiện còn mang tính Nghị quyết, chưa đúng với văn phong của văn bản luật…

Bên cạnh đó, công tác triển khai thi hành luật cũng có những hạn chế như công tác xây dựng, ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn còn chậm. Số lượng văn bản được ban hành quá ít; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên thiếu thường xuyên, liên tục, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với các đối tượng thanh niên; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật chưa được chú trọng. Do đó, các đại biểu mong muốn Luật Thanh niên sửa đổi, bổ sung sẽ tạo sự chuyển biến trong công tác thanh niên, một số vấn đề của thanh niên hiện nay cần được quan tâm giải quyết như việc làm, vay vốn, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cho thanh niên và bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên.

Luật cần phát huy quyền và nghĩa vụ của thanh niên, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên; có chính sách xây dựng và hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần vào sự phát tiển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục