Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, từ nay đến cuối năm 2023, Sở đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố.
Đồng thời, Sở thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và tiến hành kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo ông Vũ Cao Cương, công tác an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Ủy ban Nhân dân các cấp đã ban hành và triển khai kịp thời, bài bản, đúng quy định các văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm. Các sở, ngành, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng của thành phố đã duy trì phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội... Những kết quả đạt được góp phần giúp thành phố thực hiện tốt các chương trình, đề án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm.
Hà Nội: Kết nối nông sản, thực phẩm an toàn đến các chợ trên địa bàn
Địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…
Lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Trong tám tháng của năm 2023, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn là 71.557 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có 9.157 cơ sở vi phạm.
Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời, đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; tiêu thụ sản phẩm thuộc diện phải được sản xuất tại cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà không thực hiện theo quy định; sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh, tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định… Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở.
Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn gặp khó khăn, thách thức. Do có quy định cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (hộ kinh doanh) không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn chuyển loại hình hộ kinh doanh để không phải xin cấp giấy chứng nhận; điều này gây khó khăn trong công tác quản lý.
Nhân lực triển khai tại quận, huyện, thị xã được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác.
Việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn diễn ra…/.