Hà Nội miễn giấy phép xây dựng cột anten không cồng kềnh

Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp viễn thông lắp trạm thu phát sóng thân thiện với môi trường cũng như việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Hà Nội miễn giấy phép xây dựng cột anten không cồng kềnh ảnh 1Những trạm BTS cồng kềnh thế này sẽ không được khuyến khích lắp đặt tại Hà Nội. (Ảnh chỉ có tính minh họa: Minh Tú/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý, cấp phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS). Theo đó, sẽ miễn giấy phép xây dựng đối với cột anten không cồng kềnh.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai các Quyết định của Hà Nội về công tác quản lý hạ tầng thông tin được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức sáng nay (29/4).

Ngoài cột anten không cồng kềnh, Hà Nội còn đồng ý miễn giấy phép xây dựng với hệ thống phủ sóng trong các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ xây dựng trạm BTS cho phòng Văn hóa Thông tin các quận, huyện, thị xã trước khi xây dựng 7 ngày làm việc để theo dõi.

Cột anten không cồng kềnh được định nghĩa là cột anten được lắp đặt trong và trên các công trình xây dựng nhưng không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực, an toàn của công trình xây dựng.

Có hai loại cột anten không cồng kềnh là cột anten tự đứng, được lắp đặt trên các công trình xây dựng có chiều cao của cột (kể cả anten, không bao gồm kim thu sét) không quá 20% chiều cao của công trình, nhưng cao không quá 3m và có chiều rộng từ tâm của cột đến điểm ngoài cùng của cấu trúc cột dài không quá 5m.

Ngoài cột anten tự đứng, cột anten thân thiện với môi trường là cột được thiết kế, lắp đặt ẩn trong kiến trúc của công trình đã xây dựng, mô phỏng lan can, mái hiên, mái vòm, bệ cửa, vỏ điều hòa, bồn nước, tháp đồng hồ…

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có trên 5.700 trạm BTS đang hoạt động, trong đó có gần 1.200 trạm BTS dùng chung cơ sở hạ tầng (cột anten, nhà trạm) giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau hoặc thuê của công ty xây dựng hạ tầng dùng chung.

Bà Tú cũng cho biết sẽ phối hợp với các Sở, ngành và các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị (cống bể cáp, nhà trạm, cột anten) để tiết kiệm chi phí và vì lợi ích chung của xã hội.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã chủ trì cho các doanh nghiệp ký Biên bản thỏa thuận sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên nguyên tắc tổ chức sở hữu có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.../.

Vẫn còn trạm BTS không phép

Bên cạnh những mặt đạt được, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tình trạng các chủ đầu tư công trình viễn thông thiếu ý thức chấp hành pháp luật trong xây dựng, cố tình không làm thủ tục xin cấp phép xây dựng hoặc không làm đúng quy trình, thủ tục về xây dựng trạm BTS. Nhiều trạm BTS xây dựng trước khi được cấp phép hoặc xây dựng không đúng quy hoạch.

Có nhiều lý do để dẫn đến tình trạng trên như bản thân doanh nghiệp không xin giấy phép xây dựng, giá thuê địa điểm không đồng nhất gây bức xúc trong nhân dân hoặc gặp phản ứng của người dân khi họ lo ngại việc cột sóng sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe…

Bà Phan Lan Tú cho biết, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ chấn chỉnh việc này và khuyến khích các doanh nghiệp tăng trạm BTS thân thiện môi trường, nhất là ở khu vực tập trung đông dân cư.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục